Kết nối không dây Bluetooth vẫn đang được sử dụng rất phổ biến và trở thành tiêu chuẩn của hầu hết các thiết bị công nghệ. Có hàng tỷ thiết bị đang sử dụng kết nối Bluetooth, từ những chiếc smartphone Android, máy tính Windows và Linux.
Thế nhưng công nghệ này đang đe dọa người sử dụng. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một lỗ hổng của kết nối không dây Bluetooth, giúp hacker có thể tấn công hàng tỷ thiết bị Android, Linux và Windows.
BlueBorne, tên gọi của cách thức tấn công mới thông qua Bluetooth, không cần người dùng truy cập bất kỳ đường link, kết nối với một thiết bị lạ hay làm bất kỳ việc gì khác. Chỉ cần thiết bị đó có bật kết nối Bluetooth và nằm trong phạm vi dưới 10m.
Cuộc tấn công có thể thực hiện trong chưa đầy 10 giây và không để lại dấu vết gì, nạn nhân cũng không hề hay biết. Hacker sẽ tận dụng phương pháp BlueBorne này để bí mật lây nhiễm mã độc vào thiết bị của nạn nhân, sau đó tiếp tục thực hiện các hành vi phá hoại khác.
Lỗ hổng này trên các thiết bị Windows đã được Microsoft khắc phục bằng một bản cập nhật bảo mật hồi tháng 7. Nhưng lúc đó, Microsoft không hề cảnh báo các nguy cơ này và nhắc nhở người dùng vá lỗ hổng bảo mật. Chính vì vậy, nếu bạn đang sử dụng các thiết bị Windows thì hãy nhanh chóng cập nhật các update mới nhất.
Trong khi đó, các thiết bị chạy Android và Linux được đánh giá là dễ bị tấn công bởi BlueBorne nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết những chiếc iPhone và iPad sử dụng phiên bản trước iOS 10 cũng rất dễ trở thành nạn nhân của BlueBorne, mặc dù cách thức lây nhiễm mã độc sẽ khó hơn Android.
Bluetooth là một kết nối không dây ở khoảng cách gần, dễ sử dụng và hiệu quả. Tuy nhiên kết nối Bluetooth cũng luôn bị cảnh báo các mối nguy cơ bảo mật, dễ bị lây nhiễm các phần mềm mã độc. Vì vậy, bạn nên tắt kết nối Bluetooth khi không cần dùng đến.
Theo GenK