Theo báo cáo đăng trên The Astronomical Journal, Scott Sheppard và các đồng nghiệp tại Viện Khoa học Carnegie ở Washington (Mỹ) cho biết 2022 AP7 là một trong 3 tiều hành tinh gần Trái Đất mới được phát hiện.
Nó ẩn nấp đâu đó trong phạm vi quỹ đạo giữa Trái Đất và sao Kim, cùng sự "che chắn" của ánh sáng Mặt trời khiến 2022 AP7 vô cùng khó bị phát hiện.
Đây là tiểu hành tinh lớn nhất được tìm thấy trong hơn 8 năm qua. Tiểu hành tinh này được đặt tên là 2022 AP7, có đường kính gần 1,5km. 2022 AP7 sẽ đi qua quỹ đạo Trái Đất và "có khả năng gây nguy hiểm".
"Các tiểu hành tinh có đường kính từ 1 km hoặc hơn đủ sức tạo ra thảm hoạ kinh hoàng, gây tuyệt chủng hàng loạt chưa từng thấy nếu nó đâm vào Trái Đất", ông Sheppard cho biết.
Các tiểu hành tinh giống 2022 AP7 rất khó bị phát hiện do chúng nằm trong vùng có ánh sáng chói của Mặt trời khiến các kính thiên văn hiện đại như James Webb hoặc Hubble không thể được sử dụng.
2022 AP7 được phát hiện bằng Máy ảnh Năng lượng Tối của Kính viễn vọng 4 mét Victor M. Blanco tại Đài quan sát liên Mỹ Cerro Tololo ở Coquimbo, miền bắc Chile.
Hiện tại, các nhà thiên văn học cũng chưa thể đưa ra đánh giá liệu 2022 AP7 có va chạm với Trái Đất hay không, cũng như thời điểm thảm hoạ này xảy ra.
Sheppard cho biết có rất ít tiểu hành tinh gần Trái Đất với kích thước tương tự. "Cho đến nay, chúng tôi đã tìm thấy 2 tiểu hành tinh lớn có quỹ đạo gần Trái Đất với đường kính khoảng 1 km, kích thước mà chúng tôi gọi là "hành tinh sát thủ", nhà thiên văn học này chia sẻ.
Hải Nguyên (theo Dailymail)