Ngày 14/6, PGS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin bệnh nhân là N.V.T (77 tuổi, trú Hà Nội) vào viện trong tình trạng liệt hai chân, đau nhiều cột sống ngực.
Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện đau cột sống ngực, đau lan toàn bộ vùng ngực, tăng khi vận động, thay đổi tư thế, khi ho hắt hơi và khi gắng sức, đau lan xuống cột sống thắt lưng, gầy sút 5kg trong 10 ngày, không ho, không sốt, đại tiểu tiện bình thường, nước tiểu vàng trong khoảng 1,5 lít/ngày.
Sau đó, bệnh nhân xuất hiện liệt 2 chi dưới tăng dần, kèm đại tiểu tiện không tự chủ. Kết quả thăm khám tại bệnh viện cho thấy ông bị ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, hạch, giai đoạn 4B trên nền bệnh gout và đái tháo đường. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội tiết ung thư tuyến tiền liệt, chăm sóc giảm nhẹ, chống tì loét.
PGS Phương cho biết ung thư tuyến tiền liệt hiện nay là một bệnh phổ biến ở nam giới, đứng hàng thứ 3 về tỷ lệ mắc mới sau ung thư vú và ung thư phổi. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng dần theo tuổi, gần 60% bệnh nhân được chẩn đoán ở độ tuổi trên 65.
Nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt ở thể ẩn, không có triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân được phát hiện tình cờ, hoặc giải phẫu tử thi sau khi tử vong do những nguyên nhân khác.
Theo bác sĩ Phương, ung thư tiền liệt tuyến nếu phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu và được điều trị tích cực, có thể khỏi bệnh và có trên 95% bệnh nhân sống thêm trên 5 năm, thậm chí 10-15 năm sau khi được chẩn đoán. Bệnh có thể sàng lọc, phát hiện sớm bằng thăm khám và xét nghiệm ở nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình ung thư tuyến tiền liệt.
Cô gái 26 tuổi phát hiện ung thư giai đoạn 4 từ cơn chóng mặt
Đi khám gan, bất ngờ phát hiện mắc ung thư vú