Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa công bố kết quả khảo cổ học của Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ). Tham gia thực hiện đề án này là 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Một địa tầng trong mơ của khảo cổ học Việt Nam

Sau gần 4 năm thực thực hiện đề án, các chuyên gia khảo cổ học đã tìm thấy tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê 2.376.466 hiện vật, thuộc nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Trong đó, hạt chuỗi thủy tinh Indo-Pacific có số lượng rất lớn 1.038.131 hạt với nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau, cùng với 1.337.910 mảnh gốm đất nung, 17 hiện vật tôn giáo, 395 dụng cụ sản xuất và sinh hoạt cùng một số hiện vật đặc biệt như gương đồng, nhạc cụ...

Hiện vật thu được chủ yếu là các loại đồ dùng vật dụng trong sinh hoạt, sản xuất cùng các loại đồ trang sức, vật thờ trong tôn giáo và gần như vắng bóng các loại vũ khí. Điều này phản ánh rõ nét tính chất của một đô thị với sinh kế nông nghiệp và thương mại của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong quá khứ.

{keywords}
 

Tại khu di tích Nền Chùa, các chuyên gia khảo cổ học tìm thấy 414.446 hiện vật khảo cổ, bao gồm đồ gốm, đồ kim loại, đồ trang sức, đồ thủy tinh, nhạc cụ... Trong đó có nhiều loại hình di vật là đồ dùng trong sinh hoạt (các loại hình đồ dùng, vật dụng bằng gốm, bằng đá hay bằng gỗ), các loại dụng cụ sản xuất thủ công nghiệp và nông nghiệp (khuôn đúc đồ trang sức, nồi nấu kim loại, dọi xe sợi dệt vải, dụng cụ chế tác gốm, bàn nghiền, chày, cối...), đặc biệt là trong số đó có một số lượng đáng kể là đồ gốm nước ngoài.

{keywords}
 

PGS.TS. Tống Trung Tín Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng gần 4 năm thực thực hiện đề án có ba phát hiện quan trọng mà các nhà khảo cổ học đã tìm được: "Đã đưa ra được phát hiện một địa tầng văn hoá dày dặn, niên đại trải dài liên tục từ trước Công nguyên đến thế kỷ 10-11 - đây là điều quan trọng hàng đầu của bất cứ một công trình khoa học nào. Đây là một địa tầng trong mơ của khảo cổ học Việt Nam và nước ngoài đối với văn hoá Óc Eo từ khoảng những năm 90 của 10 thế kỷ 20 trở về trước;

Đã phát hiện một hệ thống di tích phong phú trải dài theo các thời kỳ lịch sử văn hoá trên đây bao gồm các dấu tích: tường bao, nhiều móng nền kiến trúc đền miếu, dấu tích kiến trúc nhà sàn bị đổ sập, dấu tích các cột nhà sàn còn nguyên vị trí từ ngày khởi dựng, dấu tích đường đi lối lại, giếng nước vuông, giếng nước tròn, hồ nước, đường nước, dấu tích các lung lớn, lung nhỏ;

Đã phát hiện một hệ thống di vật khá phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau như: vật liệu kiến trúc gạch, ngói, gỗ, đá, đồ gốm Óc Eo, đồ gốm Quốc tế, đồ đồng, đồ vàng, đồ trang sức thuỷ tinh, đồ thờ".

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 

Ông Tín cho biết, ông đặc biệt hứng thú với các bức ảnh giới thiệu các vết tích nhà sàn và việc các nhà nghiên cứu cố gắng bước đầu tái hiện hình thái kiến trúc nhà sàn của văn hoá Óc Eo. Điều đó cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống cụ thể của họ. Đây chính là việc minh chứng sinh động cho tiêu chí thứ năm, tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản nếu như trong thời gian tới Việt Nam xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hoá Óc Eo tại Ba Thê - Óc Eo. 

{keywords}
 
{keywords}
 

"Các kết quả khai quật cũng đã đem lại cho đất nước thêm hai Bảo vật quốc gia đã được Chính phủ công nhận năm 2021 đó là nhẫn vàng có tượng Bò thần Nandin, Phiến đá có khắc hình đức Phật ngồi thiền. Đây là những di vật vừa có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật cao vừa phản ánh đời sống văn hoá tôn giáo của cư dân Óc Eo. Tất cả những kết quả này có thể cho phép biện luận tiêu chí nổi bật toàn cầu thứ hai: tiêu chí giao thoa văn hoá khi chúng ta được phép của Việt Nam và Quốc tế xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hoá Óc Eo", ông Tín nói thêm.

{keywords}
 
{keywords}
 

PGS.TS. Đặng Văn Thắng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM đánh giá, phát hiện quan trọng và rất đáng lưu ý của đề án đó là đồ gốm nước ngoài trong văn hóa Óc Eo.

"Chúng ta biết rằng, tại các địa điểm khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo, các cuộc khai quật chính thức và không chính thức đã lấy lên khỏi lòng đất số lượng vô cùng lớn các loại hình đồ gốm, gọi là gốm Óc Eo. Sự tương đồng rộng rãi và phổ biến của đồ gốm Óc Eo, giữa các di chỉ khảo cổ ở vùng đồng bằng sông Mê Kông cho thấy một truyền thống sản xuất gốm bản địa vốn có từ lâu đời. Nhưng những nghiên cứu mới gần đây của PGS.TS. Bùi Minh Trí đã phát hiện ra nhiều đồ gốm nước ngoài trong các sưu tập đồ gốm Óc Eo, đặc biệt là những đồ gốm nước ngoài mới được tìm thấy tại di tích Nền Chùa, Lung Lớn và Gò Giồng Cát. Đó là những đồ gốm đến từ đế chế La Mã (thế kỷ II), Ấn Độ (thế kỷ I - VI), Trung Quốc (thế kỷ II - VII) và Tây Á (thế kỷ VIII). Phát hiện mới và quan trọng này đã minh họa rõ ràng mối quan hệ xuyên đại dương, đồng thời cung cấp cho chúng ta một cái nhìn xuyên thấu thời gian và tổng quan hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa của đô thị Óc Eo trong lịch sử.

Có thể nói, kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) năm 2017-2020 đã có nhiều phát hiện mới rất quan trọng, cung cấp thêm nhiều cơ sở khoa học tin cậy trong việc minh chứng và làm sáng rõ hơn lịch sử của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Từ những phát hiện và nghiên cứu mới này, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa được xem như là một phức hợp đô thị cổ và có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành vương quốc Phù Nam, một quốc gia hình thành trên nền tảng truyền thống bản địa có mối quan hệ giao thương khá rộng trên con đường hải thương quốc tế", ông Thắng chia sẻ.

{keywords}
 

Đồng quan điểm, TS. Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng: "Theo nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Minh Trí, chuyên gia gốm cổ Việt Nam, những đồ gốm này gồm có đồ gốm La Mã, đồ gốm Trung Quốc, đồ gốm Ấn Độ và đồ gốm Tây Á, có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 8. Đây là phát hiện mới rất quan trọng, góp phần minh chứng sinh động hơn về lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa của Nền Chùa trong lịch sử. Từ phát hiện quan trọng này cho thấy rằng, với vị trí nằm cách trung tâm đô thị cổ Óc Eo khoảng 12km về phía Bắc, cách cảng biển Tây Nam (Rạch Giá ngày nay) khoảng 15km về phía Nam, và nằm trên con đường giao thông thủy lộ quan trọng kết nối giữa cảng biển ở vịnh Thái Lan với đô thị cổ Óc Eo, Nền Chùa được xác định như là điểm kết nối giữa hai không gian: không gian đô thị với không gian cảng biển trong hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế với các nước Đông Nam Á hải đảo, lục địa và với các nước Trung Hoa, La Mã, Ấn Độ. Đây cũng là cửa ngõ thông thương giữa đô thị cổ Óc Eo với quốc tế thông qua đường biển". 

Tình Lê

Ảnh: Chụp từ tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

 

Những phát hiện khảo cổ mới làm sống dậy ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo

Những phát hiện khảo cổ mới làm sống dậy ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo

Kết quả thực hiện đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo qua ấn phẩm "Văn hóa Óc Eo - những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020" công bố nhiều kết quả quan trọng.