Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết, cuộc điều tra về cựu Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư pháp Lư Ân Quang là một trong những vụ kỳ lạ nhất họ từng tiến hành. Bởi trong quá trình thu thập thông tin, các điều tra viên đã phát hiện Lư che dấu và làm giả toàn bộ tài liệu về tuổi tác, học lực, lý lịch vào đảng, kinh nghiệm công tác và hoàn cảnh gia đình trong hàng chục năm mà không bị ai phát hiện.

Nhờ vậy, Lư từ chủ một doanh nghiệp trong những năm 1980-1990 đã thăng tiến và trở thành cán bộ cấp cao thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc.

{keywords}
Cựu Chủ nhiệm chính trị thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc, ông Lư Ân Quang. Ảnh: CCTV

“Khi Lư công tác ở thôn Cao Miếu Vương, nay là thị trấn Cao Miếu Vương thuộc tỉnh Sơn Đông, vào những năm 1980, tài liệu ghi rằng ông ta là giáo viên một trường trung cấp tư thục kiêm Phó Bí thư chi bộ thôn, đồng thời lại là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Ba vị trí và chức vụ đó cùng đều do một mình ông ta đảm nhiệm, điều này quả rất kỳ lạ”, ông Trần Dục Giang, một điều tra viên cho biết.

Từ manh mối trên, các điều tra viên tiếp tục tìm hiểu và phát hiện nhiều tài liệu liên quan tới Lư có nhiều điểm nghi vấn. “Từ lý lịch của ông ta, chúng tôi thấy Lư có cả hai bằng tiến sỹ luật và tiến sỹ quản lý. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc và nói chuyện với Lư, thì trình độ của ông ta lại không cao như thế. Chúng tôi cảm thấy ông ta có năng lực về khoản lôi kéo, tiếp cận, kết thân và nịnh hót. Năng lực về mặt này của ông ta khá mạnh”, ông Trần nói thêm.

Theo tài liệu của CCDI, Lư là một người có đầu óc linh hoạt, có nhiều phát kiến. Nhờ vậy, doanh nghiệp do ông ta điều hành vào những năm 1980 làm ăn khá phát triển. Nhưng ông ta khi đó lại có tư tưởng rằng “chỉ có làm quan thì địa vị của bản thân mới cao, còn những thứ khác đều thấp hèn”.

“Tôi cảm thấy rằng mình khi đó có làm được việc gì đi nữa, thì cũng không bằng làm quan. Ở thời kỳ đó, dù bản thân là chủ một doanh nghiệp lớn tới đâu, thì khi đi dự tiệc với những người có kiến thức khoa học hoặc am hiểu công nghệ, dường như chủ doanh nghiệp luôn ‘ở chiếu dưới’ khi bị mang ra so sánh”, Lư nói.

Tới năm 1992, Lư khi nhìn thấy danh thiếp của nhiều chủ doanh nghiệp trong thôn được in chức danh “Bí thư Đảng ủy công ty...” liền vô cùng ngưỡng mộ, từ đó nảy sinh ra khái niệm gia nhập đảng để làm quan chức.

{keywords}
Lý Hằng Quân, một cán bộ từng nhận tiền đút lót từ Lư. Ảnh: CCTV

Để gia nhập đảng thì cần chờ hai năm kể từ khi nộp đơn, nhưng đối với Lư, thì như thế là quá chậm. Thế là ông này liền đi tìm Bí thư chi bộ thôn khi đó là Lý Hằng Quân để tìm sự giúp đỡ. Lý sau khi nhận 5.000 Nhân dân tệ tiền đút lót từ Lư liền sắp xếp cho Lư một đơn xin gia nhập đảng, nhưng lại là đơn được viết vào thời điểm năm 1990. Chỉ vài tháng sau, Lư được kết nạp vào đảng.

Sau đó, Lư đút lót tiền bạc cho nhiều quan chức khác trong thôn để làm giả cho ông ta những tài liệu cần thiết, ví dụ như tài liệu về việc ông ta từng là một giáo viên ở trường trung cấp trong thôn. “Về chuyện này, tôi xin chịu trách nhiệm khi giúp đỡ ông ta. Lư chưa từng đi dạy một buổi nào, hay thậm chí tới công tác ở trường của tôi một ngày nào cả”, Trương Khánh Tường, Hiệu trưởng Trường trung cấp Cao Miếu Vương khi đó, thú nhận.

{keywords}
Trương Khánh Tường, một cán bộ từng nhận tiền đút lót từ Lư. Ảnh: CCTV

Trong những năm sau đó, nhờ việc vung tiền đút lót để tạo ra những ‘thành tích giả’ trong bản lý lịch, Lư tiếp tục được đề bạt vào nhiều chức vụ quan trọng cấp thôn, huyện hay cấp thành phố. Tới tháng 5/1999, Ủy ban Hiệp thương Chính trị tỉnh Sơn Đông cho thành lập Trung tâm Dịch vụ phát triển khoa học công nghệ, và điều Lư đến đó làm Phó chủ nhiệm. Chỉ một năm sau, Lư được đề bạt làm Chủ nhiệm trung tâm. Từ đó, ông này trở thành một cán bộ cấp cao.

{keywords}
Biểu đồ minh họa sự thăng tiến nhờ đút lót tiền bạc của Lư từ năm 1997-2003. Ảnh: CCTV

Theo Tân Hoa Xã, Lư từ tháng 3/2001 đến tháng 6/2007 đã tham gia vào tổ trù bị thành lập Tập đoàn xuất bản văn hóa Hoa Hạ. Từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2009, ông này chuyển về công tác ở Bộ Lao động và Xã hội. Trong thời gian từ tháng 5/2009 đến tháng 11/2015, Lư được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư pháp. Kể từ tháng 11/2015, ông ta giữ chức Chủ nhiệm Chính trị thuộc Bộ Tư pháp.

Tới tháng 12/2016, tổ điều tra thuộc CCDI phát hiện toàn bộ tài liệu về tuổi tác, học lực, lý lịch vào đảng, kinh nghiệm công tác và hoàn cảnh gia đình của Lư đều là giả, và việc thăng tiến của ông ta đều nhờ vào đút lót tiền bạc.

Ngoài ra, Lư trong thời gian công tác đã từng nhận hối lộ gần 8 triệu Nhân dân tệ từ một số cá nhân hoặc doanh nghiệp. Do vậy, Lư vào tháng 10/2017 bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, và được giao cho các cơ quan chức năng xử lý.

{keywords}
Lư Ân Quang đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: BJnews

Xem tin thế giới trên VietNamNet

Tuấn Trần

Mưu sâu kế hiểm của cựu giám đốc công an tham nhũng ở Trung Quốc

Mưu sâu kế hiểm của cựu giám đốc công an tham nhũng ở Trung Quốc

Việc điều tra các vụ án tham nhũng thường gặp phải nhiều khó khăn, nhất là khi những đối tượng đó lại là các quan chức an ninh cấp cao.

Cựu bí thư tỉnh ủy Trung Quốc mua bán phiếu bầu, mặc sức vơ vét

Cựu bí thư tỉnh ủy Trung Quốc mua bán phiếu bầu, mặc sức vơ vét

Phim tài liệu “Lưỡi kiếm thanh tra” đã cho chúng ta thấy được phần nào quá trình nhận hối lộ hàng trăm triệu Nhân dân tệ của quan tham Trung Quốc Vương Mân.