Ngày 16/7, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết đã xử lý thành công túi phình khổng lồ trong mạch máu não của bé 2 tháng tuổi.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bé L.V.K (2 tháng tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu) bị sốt, bứt rứt, quấy khóc và bỏ bú. Vì lo lắng, gia đình đã đưa bé lên TP.HCM trong tình trạng tỉnh, thóp phồng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bác sĩ chỉ định chụp CT Scan (chụp cắt lớp vi tính). Kết quả cho thấy bé K. bị xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não thất hai bên. Qua hội chẩn, các bác sĩ tiếp tục cho chụp DSA (kỹ thuật chụp mạch máu xóa nền), phát hiện túi phình khổng lồ trong mạch máu não của bé.
Lo ngại nguy cơ vỡ túi phình mạch máu não, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiến hành phẫu thuật cho bé K.
Theo bác sĩ Cần, túi phình khổng lồ mạch máu não của bé có kích thước 32,13 x 26,29 mm, hiếm gặp và phức tạp. Bé mới 2 tháng tuổi, kích thước mạch máu rất nhỏ. Vì vậy, rất khó khăn khi luồng ống thông đi vào mạch máu, khiến thời gian thủ thuật kéo dài.
Ngoài ra, do kích thước túi phình lớn nên bác sĩ đã phải sử dụng đến 20 coils (vòng xoắn kim loại can thiệp nút túi phồng). Sau gần một tuần phẫu thuật, bé K. đã có nhiều tiến triển tốt và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ khuyến cáo, phần lớn trẻ bị bệnh lý này không có biểu hiện rõ ràng. Một vài tình huống được phát hiện khi bé còn trong bụng mẹ bằng siêu âm thai nhi. Nếu trường hợp trẻ xuất hiện phình tĩnh mạch Galen lưu lượng cao sẽ có dấu hiệu giãn tĩnh mạch da đầu, xung huyết kết mạc mắt, lồi mắt, cảm nhận có âm thổi khi đặt tay lên đầu bé, đầu nước cấp tính, thóp phồng, tình trạng cướp máu,….
Còn lại, bệnh nhân chỉ được phát hiện khi có biến chứng như xuất huyết não, thóp phồng, liệt vận nhãn, nặng hơn là bị hôn mê.