Bệnh nhân là chị P.T.X (47 tuổi, Nghệ An). Bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán nguyên nhân chị chảy máu sau khi sảy thai là do sót rau.
Không yên tâm, chị ra Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khám. Qua hình ảnh siêu âm, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện, phát hiện chị bị chửa góc tử cung, một dạng của thai ngoài tử cung do bất thường về vị trí làm tổ của thai.
Khi thai phát triển to dần, vị trí kẽ vòi tử cung không còn phù hợp với kích cỡ này của thai nên cơ tử cung ở đoạn góc sừng sẽ bị phồng và giãn ra. Tới một mức độ nhất định, có thể là vài tuần, thậm chí 4 -5 tháng, khối thai sẽ vỡ và chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, gây nguy hiểm tính mạng thai phụ.
Khi thăm khám trực tiếp, Giáo sư Ánh quan sát thấy cổ tử cung chị X. bị sùi, loét, nhận định chị bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn. Kết quả xét nghiệm tế bào sau đó đã khẳng định.
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiếp nhận và điều trị cho chị X. về phần sản khoa, sau đó chuyển bệnh nhân sang bệnh viện chuyên khoa ung bướu tiếp tục điều trị.
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% tất cả các loại ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau ung thư vú.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu chị em thấy chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt nhiều và không đều, dịch âm đạo bất thường, mùi khó chịu; đau khi quan hệ thì cần lưu ý tới bệnh viện để kiểm tra chẩn đoán bệnh, đây có thể là bệnh lý viêm, hoặc có u xơ nhưng không loại trừ cảnh báo mắc ung thư cổ tử cung, tử cung hoặc nội mạc tử cung.
Từ 21 tuổi trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, trong đó, phổ biến nhất là độ tuổi 35 - 44 tuổi. Theo các bác sĩ, việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục.