Phó Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Thứ, Phó Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã Lìa, huyện Hướng Hóa cho biết, trong năm 2022, xã đã thành lập 10 tổ công nghệ số cộng đồng với 80 thành viên.
Các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông và huyện Hướng Hóa tổ chức.
Trên cơ sở đó, các thành viên đã nắm bắt được các kỹ năng số, tích cực đến các gia đình để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số.
Mục tiêu của các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã đặt ra là “mỗi một gia đình có ít nhất một người biết sử dụng thành thạo các ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh”, từ đó họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để hướng dẫn các thành viên khác trong gia đình thực hiện.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hoá Hồ Ngọc Tình cho biết, đến nay huyện đã thành lập được 21/21 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 108 thành viên; 149/149 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 912 thành viên (đạt tỉ lệ 100%).
Sau khi các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập, UBND huyện Hướng Hóa chỉ đạo Phòng Văn hoá - Thông tin phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, UBND các xã, thị trấn tổ chức 7 lớp tập huấn cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn.
Tại các lớp tập huấn, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được giới thiệu, hướng dẫn các quy trình đưa hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn cài đặt phần mềm định danh điện tử; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Thời gian tới, huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; các văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên và các tài liệu có liên quan đến các tổ công nghệ số cộng đồng và người dân; tiếp tục triển khai hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng; hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn huyện đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử.
Hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm, cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt... thông qua các nền tảng số.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Huyền cho biết, thực hiện chương trình chuyển đổi số, đến nay toàn tỉnh đã có 115 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã; 715 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với tổng số 4.327 thành viên.
Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp người dân tiếp cận nhanh với công nghệ số; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số.
Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên trong các tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng nòng cốt để tổ chức các chiến dịch ra quân hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số vào đời sống.
Chính các hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần hoàn thành một số mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 4/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030, đặc biệt là mục tiêu về tỉ lệ tài khoản thanh toán cho người trưởng thành đạt trên 35% đến năm 2025 thì đến nay đã đạt trên 81%...
Để hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào cuộc sống, tỉnh Quảng Trị sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; tổ chức khóa học “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông đến các thành viên trong tổ, người dân; xem đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng; hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp phích hoặc tờ rơi để các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đài truyền thanh cấp huyện, xã tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng số để phổ biến, hướng dẫn đến người dân cài đặt và sử dụng.
Phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng nâng cao các ứng dụng liên quan như QR-Code, mobile money; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hoàn thiện hạ tầng thông tin cũng như xây dựng internet cáp quang đến 100% hộ gia đình.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng (App) trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin.
Theo SỸ HOÀNG (Báo Quảng Trị)