Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không thể không kể đến vai trò, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân người dân tộc thiểu số, những người đang ngày đêm bền bỉ, nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của quê hương.
Họ góp phần tạo thu nhập, công ăn việc làm cho nhiều người dân, từ đó ổn định, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Đặc biệt, việc ngày càng có nhiều người dân tộc thiểu số trở thành chủ doanh nghiệp đã cho thấy nhiều tiến bộ trong nếp nghĩ, tư duy của đồng bào. Nhìn vào thành quả của những doanh nghiệp, nhìn vào những đóng góp cho xã hội, cộng đồng của những doanh nhân dân tộc thiểu số, đã chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của các doanh nhân dân tộc thiểu số trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, việc phát triển doanh nghiệp, doanh nhân ở khu vực miền núi còn hạn chế do gặp nhiều khó khăn về khả năng tiếp cận thông tin, tìm kiếm thị trường, tiếp cận dịch vụ tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao… Do vậy, để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân là người dân tộc thiểu số nói riêng, cần triển khai những chính sách, giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” mới đây đã đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Cụ thể như: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới…
Trong đó nhấn mạnh cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Nghị quyết số 41-NQ/TW được đánh giá là món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân là người dân tộc thiểu số nói riêng lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong, thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.