Xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là địa phương miền núi, cách trung tâm huyện khoảng 45km, với nhiều khó khăn về trình độ dân trí, đời sống kinh tế và giao thông đi lại.
Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có 961 hộ với 3.765 nhân khẩu, trong đó có 12 dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 80%.
Những năm qua, người có uy tín, tiêu biểu ở các thôn bản, khu dân cư có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là trung tâm để phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào dân tộc nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Xã Trung Sơn có 7 người được xét chọn, đạt các tiêu chí là người có uy tín ở tại 7 thôn. Những người có uy tín với tinh thần trách nhiệm cao đã phát huy vai trò trung tâm đoàn kết, hết lòng vì nhân dân, tích cực tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương.
Tiên phong trong phát triển kinh tế
Ông Quan Văn Có, người có uy tín thôn Lâm Sơn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động của thôn, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi các tập quán lạc hậu, thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Ông cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chung tay xây dựng nông thôn mới...
Ở thôn Bản Giáng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có 40 hộ dân, chủ yếu đồng bào Nùng, Tày. Đây là khu vực có nhiều rừng ở Trung Sơn với gần 200 ha.
Anh Thèn Văn Hiển là người có uy tín của thôn kiêm Bí thư chi bộ. Anh cho biết, trước đây, người dân hay chặt cây lấy gỗ, rừng bị tàn phá, đất đai xói mòn, bạc màu, tác động tiêu cực đến thiên nhiên và ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống người dân.
Anh Hiển cùng cán bộ kiểm lâm đến từng nhà, gặp từng người dân kiên trì vận động, tuyên truyền về tác hại của việc chặt phá rừng, đặc biệt là những nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Sau khi tuyên truyền, anh vận động từng hộ ký cam kết không chặt phá rừng, phối hợp cùng địa phương giám sát, cùng chung tay bảo vệ rừng đầu nguồn.
Đơn cử như việc khai thác măng nứa trong rừng, người dân chỉ được lấy từ tháng 6 – tháng 8. Từ tháng 9 trở đi sẽ để măng phát triển thành cây.
Ngoài ra, anh Hiển còn mạnh dạn phát triển kinh tế dưới tán rừng, làm gương cho bà con. Năm 2015, anh nhận 5 ha đồi về trồng, trồng xen canh ngô, sắn trong quá trình đợi cây keo, mỡ phát triển.
Với nguồn vốn vay ưu đãi, vị Bí thư chi bộ đã mở rộng sản xuất, chăn nuôi lợn, gà. Ước tính, thu nhập của anh Hiển khoảng 100 triệu đồng/năm. Đời sống gia đình khá giả hơn trước.
Thành công của anh Hiển đã tạo động lực cho bà con trong thôn, mọi người cùng trồng rừng, mở rộng sản xuất. Đến nay, toàn thôn trồng được gần 100 ha. Rừng đã bao bọc, che chở, gắn bó bao đời với người dân thôn Bản Giáng, nay rừng còn là nơi giúp bà con thoát nghèo.
Là người có uy tín ở thôn Đồng Trang, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, ông Giàng Xèo Về, dân tộc Mông, làm trưởng thôn, phó thôn được gần 10 năm. Ông cũng là người đi đầu của thôn về trồng rừng, trồng cây ăn quả, gương mẫu chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, phát luật Nhà nước, các phong trào thi đua của thôn.
Cách đây hơn 20 năm, ông Giàng Xèo Về là người đầu tiên của thôn Đồng Trang bỏ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày chuyển sang trồng rừng nguyên liệu. Với diện tích trên 4 ha, cây rừng được trồng chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Năm 2015, ông chuyển 2 ha diện tích rừng gần nhà sang trồng cây ăn quả. Cây trồng được ông lựa chọn là cây bưởi và cây cam Vinh. Những năm gần đây, giá hoa quả có xuống song so với cây trồng khác vẫn cao hơn nhiều. Đời sống của gia đình nâng lên rõ rệt, đã có của ăn của để, nuôi con ăn học.
Thôn Đồng Trang, xã Hùng Lợi hiện có 154 hộ trên 620 khẩu, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 60%, người dân trước đây chủ yếu phá rừng làm nương rẫy. Ông Về đã cùng với ban lãnh đạo thôn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người không phá rừng làm nương, thực hiện trồng rừng, trồng tre bát độ lấy măng, trồng cây ăn quả. Đến nay, nhân dân trong thôn đã trồng được trên 100 ha rừng, gần 10 ha cây ăn quả các loại.
Bằng nhiều việc làm thiết thực của người có uy tín, nhân dân trong thôn tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, không theo các tà đạo lạ. Đặc biệt, trong chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa thôn, đã có nhiều hộ hiến đất để làm đường. Nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa nghèo và có điều kiện cho con, cháu ăn học.
Xóa bỏ hủ tục, nâng cao đời sống người dân
Các hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại qua nhiều đời, nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Những hủ tục, tập quán không còn phù hợp như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín dị đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm, giết mổ gia súc, gia cầm trong đám tang… vẫn tồn tại bởi nhiều nguyên nhân, như tư tưởng người dân không muốn thay đổi, đặc biệt là các hủ tục, phong tục này mang tính tâm linh, tín ngưỡng lâu đời trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thôn Bản Giáng có 44 hộ đồng bào nhưng không sống tập trung. Những năm qua, anh Thèn Văn Hiển phối hợp cùng cơ quan đoàn thể ở địa phương tham gia vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Khi ốm đau, anh chủ động đến bệnh viện điều trị, làm gương cho bà con, thay vì tự điều trị tại nhà hay đến thầy mo.
Với thanh, thiếu niên, anh thường xuyên nhắc nhở về những tác hại của việc tảo hôn; giúp cho thế hệ trẻ ngày càng hiểu được và bỏ dần tục tảo hôn, chú tâm vào việc học hành, phát triển tương lai. Nội dung này cũng được anh lồng ghép trong những buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, bản… Đặc biệt, anh khuyến khích, động viên các gia đình cho con em đến trường nhằm nâng cao dân trí.
Người dân Bản Giáng giờ đây đã chăm chỉ làm ăn, nhiều hủ tục dần được xóa bỏ; việc cưới, việc tang tổ chức văn minh, tiết kiệm. Hệ thống chính trị ổn định, năng động hơn. Nhiều năm qua, Bản Giáng không xảy ra vụ kiện tụng, tranh chấp, ly hôn và có hơn 80% hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa.
Với phương châm “Làm được, nói được thì người dân mới tin theo”, mỗi cán bộ, đảng viên là người có uy tín tại địa phương luôn xác định trở thành một cán bộ làm công tác dân vận ở thôn bản. Nhiều tấm gương đảng viên, cán bộ tiên phong gương mẫu trong các phong trào, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Điển hình như đảng viên Dương Văn Páo, Chi bộ thôn Lâm Sơn hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường; đảng viên Lương Xuân Dán, Chi bộ thôn Bản Giáng tích cực truyền dạy và giữ gìn bản sắc văn hóa...
Được sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của các cấp, các ngành từ huyện đến tỉnh, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư, các chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước được quan tâm triển khai, thực hiện. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao. Điều kiện cơ sở hạ tầng, văn hoá, y tế, giáo dục, giao thông, bưu chính, viễn thông… được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm đáng kể.
Có thể khẳng định, để đạt được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị có vai trò không nhỏ của đội ngũ người có uy tín, tiêu biểu ở các thôn bản.
Những người có uy tín trên địa bàn xã Trung Sơn có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ năng nổ trong công tác xã hội, dành nhiều thời gian và công sức lo cho công việc của cộng đồng. Họ còn là những người làm kinh tế giỏi, không chỉ biết làm giàu cho chính bản thân và gia đình, mà còn giúp đỡ bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếng nói của những người uy tín có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng và là tấm gương sáng cho mọi người học hỏi, noi theo.
Trong thời gian tới, xã Trung Sơn sẽ tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Từ đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất cũng như trong đời sống. Gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.