Tại Tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí, truyền thông” vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 25/6/2024, các chuyên gia đánh giá cao việc sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Kết quả kiểm toán năng lượng tại 10 doanh nghiệp mới đây của Bộ Công Thương cho hay, các doanh nghiệp này tiêu thụ hàng năm khoảng 3,7 triệu TOE (tấn dầu quy đổi). Khi áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng đã tiết kiệm được gần 174 TOE mỗi năm, giảm phát thải 606.808 tấn CO2/năm.
Theo thông tin từ tọa đàm, cùng với quá trình phát triển, Việt Nam đã sớm coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đã có hàng trăm văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành trong thời gian qua.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 11/2/2020) về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Những năm gần đây, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của quốc tế trong thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Có thể kể đến Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2016, hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hóa chất, thực phẩm/giải khát, giấy, nhựa, dệt may, gạch/gốm sứ và các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng…
Xác định tiềm năng tiết kiệm điện tại Việt Nam còn rất lớn, ngày 7/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025. Tiếp đó, ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023- 2025 và các năm tiếp theo…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều chỉ đạo, chỉ thị, công điện, nghị quyết… về đảm bảo điện cho sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhấn mạnh tới vai trò tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
Các diễn giả tham gia tọa đàm đều thống nhất quan điểm cho rằng báo chí - truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy cộng đồng sử dụng tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập VOV lưu ý, việc đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng, cung cấp kiến thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên chuyên viết về ngành điện rất cần thiết. Chỉ khi đội ngũ này có đủ nhận thức, kỹ năng thì mới có những sản phẩm đạt cả về nội dung và hình thức phục vụ công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc thúc đẩy tiết kiệm năng lượng để góp phần bảo vệ môi trường, TS. Đồng Mạnh Hùng đề xuất: Mỗi cơ quan báo chí cần cho ra những chuyên trang, chương trình phát thanh - truyền hình chuyên đề để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tiết kiệm năng lượng. Cần nghiên cứu kỹ đối tượng công chúng để có những hình thức tuyên truyền sinh động, hiệu quả.
“Hiện nay, truyền thông mới, đặc biệt các nền tảng số đang thu hút sự chú ý của các đối tượng, trong đó có đối tượng trẻ. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần nghiên cứu các nội dung và hình thức tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp để tăng tải trên các nền tảng này”, TS. Đồng Mạnh Hùng khuyến nghị thêm.
Bình Minh