Chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục đích ban hành luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Luật này cũng nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số…
Bên cạnh việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, việc ban hành luật này với mong muốn khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành.
Đồng thời, dự luật cũng đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số đặc biệt ưu đãi đầu tư; và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt…
Nhiều quy định về công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
Cụ thể là các nội dung về: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Trong đó dự luật quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại.
Đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam...
Đáng chú ý, Bộ trưởng TT&TT đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Trong đó nêu rõ, công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn.
Dự thảo luật quy định chương 5 về “công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn” nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.
Dự luật giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, dự luật cũng dành riêng chương 6 quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) với định hướng đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất.
Theo đó, dự luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Dự luật cũng nêu rõ nguyên tắc quản lý và phát triển AI. Theo đó, AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người, phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Dự luật cũng dành một mục về “tài sản số”. Trong đó nêu rõ là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.
Nguyên tắc quản lý tài sản số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững.
Dự luật giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.
Một nội dung đáng chú ý khác là chương 4 quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Trong đó nêu rõ nguyên tắc thử nghiệm, thẩm quyền cho phép thử nghiệm, miễn trừ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm…
Dự luật cũng đề ra các chính sách ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số. Việc ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số dựa trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao, …
Ngoài ra, dự luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.
Cần có chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù hơn nữa
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan.
“Nhìn chung, hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến”, ông Lê Quang Huy nói.
Cơ quan thẩm tra tán thành với việc thiết kế các chính sách và các quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Để dự án Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự luật này và Luật CNTT hiện hành.
Đồng thời nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật CNTT bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật CNTT vào dự thảo này; hoặc sau khi luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật CNTT để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật CNTT.
Riêng về công nghiệp bán dẫn, cơ quan thẩm tra thống nhất cần phải có quy định phát triển công nghiệp bán dẫn trong Luật Công nghiệp công nghệ số.
Ông Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu, có chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù hơn nữa so với quy định như dự thảo luật hiện nay; xem xét bổ sung một số quy định về chính sách, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học; quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch.
Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định tỷ lệ sử dụng sản phẩm bán dẫn do doanh nghiệp nội địa sản xuất đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao, chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị… theo lộ trình, phù hợp điều kiện thực tế.
Về trí tuệ nhân tạo (AI), ông Lê Quang Huy cho hay, một số ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện để xây dựng một Đạo luật riêng về AI của Việt Nam.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Do đó, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong dự thảo luật.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung về quy định áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 Chương, 73 Điều dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây.