Toạ đàm Xuất bản số trong phát triển Văn hoá đọc mới diễn ra trên nền tảng zoom và fanpage của Alpha Books. Toạ đàm là một trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất do Cục xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Alpha Books tổ chức. Mục tiêu là tìm ra những giải pháp giúp hoạt động xuất bản thích ứng và đạt được những kỳ vọng trong thời kỳ mới, đồng thời phát triển cộng đồng các tổ chức học tập, kết nối những doanh nghiệp có cùng định hướng, tầm nhìn, đóng góp những giá trị thiết thực cho xã hội.
Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), bà Nguyễn Minh Huệ - Giám đốc Nhà Xuất Bản Công Thương, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books, ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc điều hành nền tảng xuất bản điện tử Waka và được dẫn dắt bởi ông Nguyễn Anh Tú - Giám đốc NXB ĐH Kinh tế Quốc dân.
Phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn
Tại sự kiện, các diễn giả xoay quay vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản như: Sự cấp thiết của chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; Thực trang ngành xuất bản số tại Việt Nam; Những cơ hội, thách thức của ngành xuất bản trong thời kỳ mới; Những yếu tố để khai thác hiệu quả “mảnh đất màu mỡ” trong lĩnh vực xuất bản điện tử; Các biện pháp để để chuyển đổi số thành công… cũng như vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chuyển đổi số ngành xuất bản đã được các diễn giả trao đổi, thảo luận.
Theo đó, các chuyên gia nhận định chuyển đổi số hiện là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn được quan tâm, trao đổi của các lãnh đạo cùng các đơn vị xuất bản, phát hành.
Ông Nguyễn Nguyên cho biết, có 4 giai đoạn chính trong quá trình chuyển đổi số. Giai đoạn đầu tiên là số hóa các dữ liệu. Quá trình này được thực hiện từ khá sớm trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất bản nói riêng. Ngay từ năm 1995, lĩnh vực xuất bản đã thực hiện công tác số hóa này và đã được thực hiện đến nay và ngày càng hiện đại, quy mô hơn và số lượng dữ liệu số hóa thì ngày càng nhiều hơn. Một số đơn vị thì hiện nay đã hoàn toàn số hóa được toàn bộ kho sách của mình.
Thứ hai là việc triển khai các ứng dụng, các nền tảng và một số hoạt động đơn giản hoặc hoạt động có tính lặp đi lặp lại nhiều, ví dụ như hoạt động hành chính, hoạt động kế toán. Các nhà xuất bản đã từng bước, từ những ứng dụng những nền tảng đầu tiên.
Thứ ba là ứng dụng các nền tảng vào quy trình trong xuất bản, từ khâu quản lý, đến khâu biên tập, phát hành, phát triển thị trường, truyền thông... Đó là quá trình ứng dụng hiện nay các nhà xuất bản khác nhau thực hiện cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung quá trình diễn ra còn tương đối chậm và dường như phía các đơn vị liên kết lại làm tốt hơn phía các nhà xuất bản.
Thứ tư là quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các hoạt động của quy trình. Việc này còn rất hạn chế, đặc biệt là ứng dụng vào trong quy trình biên tập thì hiện nay cũng chưa có nhiều. Một số đơn vị cũng đang triển khai với những bước ban đầu.
"Cú hích" trong chuyển đổi số
Người đứng đầu Cục Xuất bản, In và Phát hành cho hay sản phẩm chính mà chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản sẽ tạo ra bao gồm: tạo sự đa dạng các sản phẩm, đa dạng hóa các hình thức sản phẩm xuất bản; tạo sự đa dạng hóa các mô thức của hoạt động xuất bản, từ câu chuyện tự xuất bản, tự phát hành, tương tác người đọc, đến câu chuyện nhà xuất bản số; câu chuyện liên quan đến các công ty biên tập; tạo ra một thị trường xuất bản mở, xuất bản sẽ tiến tới câu chuyện không biên giới hoặc làm mờ biên giới. Quá trình tự xuất bản, quá trình phát hành sách diễn ra trên một nền tảng số và xuyên quốc gia và biên giới địa lý không còn là vấn đề lớn nữa.
Trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh như hiện nay, việc sử dụng ebook, audio book… sẽ ngày càng phổ biến. Chuyển đổi số trở thành điều kiện bắt buộc trong ngành xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã trở thành “cú hích”, là cơ hội lớn mở ra giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản.
Ông Nguyễn Cảnh Bình cho hay, muốn hay không chúng ta đã bị đẩy vào con đường chuyển đổi số. “Chúng ta không còn cần hỏi có nên chuyển đổi số hay không trong lĩnh vực xuất bản mà là chuyển đổi như thế nào?", ông Bình nói.
Giám đốc Nhà Xuất Bản Công Thương Nguyễn Minh Huệ chia sẻ, xuất bản số, tức là chuyển đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang việc xuất bản sách trên các nền tảng công nghệ số. Đây là trong bối cảnh số hóa toàn cầu, chuyển đổi số đó là một nhu cầu tất yếu và nó rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, mỗi nhà xuất bản cần xây dựng một định hướng, chiến lược, bước đi phù hợp để vừa có thể bắt nhịp nhu cầu của cơ chế thị trường, vừa vận dụng các nền tảng công nghệ số một cách tốt nhất; không ngừng nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm để hướng tới các đối tượng bạn đọc mà nhà xuất bản của mình đang hướng tới.
“Văn hoá đọc sách được coi là một hoạt động cực kỳ quan trọng để xây dựng thành văn hoá doanh nghiệp đặc trưng. Do đó, chuyển đổi số ngành xuất bản có vai trò đóng góp to lớn trong việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp”, ông Nguyễn Nguyên nhận định.
Tình Lê