Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ gần gũi với nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Vì vậy, Việt Nam có thể học hỏi thực tế và kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, đồng thời ứng dụng công nghệ như AI, VR, nền tảng số để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ phát triển mạnh, công nghiệp văn hóa không chỉ đóng góp lớn vào GDP mà còn nâng cao sức mạnh mềm của quốc gia. Các ngành như điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, truyền thông số phát triển nhờ nền tảng kỹ thuật số, giúp sản phẩm văn hóa vượt qua rào cản địa lý, tiếp cận công chúng toàn cầu qua YouTube, Spotify, Netflix, TikTok.

Nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu

Những năm gần đây, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, thời trang và sáng tạo số. Sự hỗ trợ từ chính sách phát triển cùng với sự bùng nổ của công nghệ số và mạng xã hội đã giúp ngành này mở rộng thị trường, vươn ra khu vực và thế giới.

Về mặt kinh tế, năm 2015, công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, và đến năm 2018, sau ba năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 3,61%. Giai đoạn 2018-2022, tổng giá trị sản xuất của ngành ước tính đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Trong 5 năm qua, số lượng cơ sở kinh doanh trong ngành tăng trung bình 7,21% mỗi năm. Riêng năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở hoạt động liên quan đến công nghiệp văn hóa, tạo việc làm cho khoảng 1,7 - 2,3 triệu lao động, với tốc độ tăng trưởng lao động đạt 7,44%/năm.

Việt Nam sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, là nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng kết hợp truyền thống và hiện đại. Bản sắc dân tộc không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo mà còn giúp sản phẩm văn hóa Việt tạo dấu ấn riêng trên thị trường.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, quan họ… được hiện đại hóa qua công nghệ trình diễn, giúp tiếp cận khán giả trẻ và du khách. Âm nhạc dân gian cũng được sáng tạo lại khi kết hợp với nhạc điện tử, giao hưởng, tạo nên sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

Trang phục truyền thống như áo dài, thổ cẩm được đưa vào thời trang hiện đại, vươn tầm quốc tế. Ẩm thực Việt như phở, bánh mì, cà phê ngày càng nổi bật, góp phần quảng bá văn hóa. Việc khai thác bản sắc dân tộc trong công nghiệp văn hóa vừa bảo tồn di sản, vừa tạo giá trị kinh tế cao, giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ khai thác sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống, tạo dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại giúp lan tỏa bản sắc dân tộc theo cách mới mẻ, hấp dẫn.

Biểu diễn nghệ thuật: Các show diễn thực tế như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An làm sống dậy di sản văn hóa qua công nghệ trình diễn hiện đại, thu hút khán giả trẻ và du khách.

z6376803626160 3206f0541e3c5819aac56133fcadda1f 93941.jpg
Hoà Minzy và MV "Bắc Bling" gây sốt. 

Âm nhạc: Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, những ca khúc như Để Mị nói cho mà nghe, Gieo quẻ hay Bắc Bling kết hợp âm hưởng dân gian với pop, EDM, hip-hop, tạo sức hút mạnh mẽ.

Điện ảnh: Bố già phản ánh giá trị gia đình, trong khi Đèn âm hồn kết hợp truyền thuyết dân gian với yếu tố huyền bí, góp phần bảo tồn văn hóa.

Thời trang: Việt phục được sáng tạo lại trong các bộ sưu tập mang tầm quốc tế, giúp lan tỏa vẻ đẹp truyền thống.

Những đổi mới này không chỉ làm phong phú công nghiệp văn hóa mà còn nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển công nghiệp văn hóa

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa toàn cầu, công nghiệp văn hóa Việt Nam đang chứng kiến một quá trình chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ đơn thuần kế thừa những giá trị truyền thống quý báu, các sản phẩm văn hóa hiện nay còn được sáng tạo, đổi mới để bắt kịp thị hiếu hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả trong nước cũng như quốc tế.

Các nhà sản xuất và nghệ sĩ đã tìm cách chuyển hóa những yếu tố truyền thống như câu chuyện dân gian, phong cách trang phục cổ truyền, điệu múa dân gian thành những sản phẩm đương đại hấp dẫn. Các tác phẩm nghệ thuật không chỉ giữ lại nét đẹp của quá khứ mà còn được “lột xác” với ngôn ngữ thị giác hiện đại, kết hợp âm thanh, ánh sáng và công nghệ số để tạo ra những trải nghiệm hoàn toàn mới cho khán giả.

Một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR). AI không chỉ cải thiện quy trình sản xuất nội dung mà còn mang đến trải nghiệm cá nhân hóa cho khán giả bằng cách phân tích sở thích của họ, từ đó đề xuất các yếu tố nghệ thuật phù hợp, hỗ trợ biên tập, dựng phim, và góp phần tạo ra những sản phẩm mượt mà, độc đáo trong lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc.

bo gia va loat phim viet duoc lua chon gioi thieu den khan gia trung dong.jpeg
Cảnh trong phim "Bố già" của Trấn Thành. 

Trong khi đó, VR mở ra không gian trải nghiệm mới, cho phép khán giả “tham gia” vào câu chuyện, di chuyển qua những không gian ảo sống động mô phỏng cảnh quan và bối cảnh văn hóa truyền thống, qua đó không chỉ tăng tính tương tác mà còn tạo cầu nối gần gũi giữa quá khứ và hiện tại.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc và cơ hội hợp tác phát triển

Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ gần gũi với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, vì vậy học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển công nghiệp văn hóa là cần thiết. Thực tế cho thấy, dù công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, việc tham khảo và áp dụng kinh nghiệm quốc tế vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trung Quốc là một ví dụ điển hình, công nghiệp văn hóa nước này đóng góp hơn 800 tỷ USD, chiếm 4,46% GDP (2022), thậm chí đạt 11,3% tại Bắc Kinh và 16% tại Hàng Châu.

Trung Quốc đã thành công trong việc kết hợp công nghệ hiện đại với giá trị văn hóa truyền thống. Điện ảnh nước này tận dụng đồ họa vi tính (CGI), hiệu ứng đặc biệt để tái hiện lịch sử, truyền thuyết, thu hút khán giả trong và ngoài nước. Âm nhạc (C-pop) cũng vươn tầm nhờ sự pha trộn giữa giai điệu dân gian và xu hướng hiện đại.

Thời trang Trung Quốc, lấy cảm hứng từ hanfu, áo dài đời Minh - Thanh, được biến tấu sáng tạo, chinh phục thị trường quốc tế. Các show diễn thực cảnh như Ấn tượng Lệ Giang, Ấn tượng Nàng Lưu Tam đã trở thành những món ăn không thể thiếu đối với du khách khi đến du lịch Trung Quốc.

Việt Nam có thể học hỏi thực tế và kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc khai thác bản sắc dân tộc để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, đồng thời ứng dụng công nghệ như AI, VR, nền tảng số để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn. Quan trọng hơn, Việt Nam cần phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng riêng, không chạy theo xu hướng quốc tế một cách mờ nhạt mà phải khẳng định bản sắc độc đáo của dân tộc góp phần tạo dựng bản lĩnh, nội lực để chúng ta “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Với nền tảng văn hóa sâu sắc và nhiều điểm tương đồng trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, sự kết nối giữa các cá nhân có ảnh hưởng trong lĩnh vực nghệ thuật và truyền thông của hai nước cũng có thể góp phần tạo ra những cầu nối quan trọng, thúc đẩy giao lưu văn hóa theo chiều sâu.

Một khi nghệ thuật và truyền thông đồng hành cùng chính sách, hợp tác văn hóa giữa hai nước không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn lan tỏa những giá trị đặc sắc của nền văn minh Đông Á trên trường quốc tế.

MV 'Bắc Bling' của Hoà Minzy:

TS. Triệu Quang Minh

Ảnh: Tư liệu