Là địa phương rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dưới tán rừng, Lai Châu với đặc điểm địa hình núi cao trên 1.000m phân bố ở nhiều nơi, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới và là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm.
Dưới tán rừng có một số loài cây dược liệu quý như: sâm Lai Châu, thảo quả, hà thủ ô, lan kim tuyến, sa nhân, tam thất, đương quy… Nhiều loài cây quý có thể làm thuốc nam, thuốc bắc, có thể chữa một số bệnh, được đồng bào các dân tộc thiểu số lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Riêng cây sâm Lai Châu hiện được gieo trồng trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 3,68 ha. Đây là cây cho hiệu quả kinh tế rất lớn.
Chi phí đầu tư 1 ha cây sâm Lai Châu vào khoảng 10 tỷ đồng, năng suất ước tính sau 6 năm trồng đạt khoảng 1 tấn/ha. Giá bán bình quân 1 kg vào khoảng 60 triệu đồng, giá trị thu nhập 1 ha sau khi trừ chi phí đạt khoảng 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, cây bảy lá một hoa cũng là loại thuốc nam quý cho hiệu quả kinh tế cao khi chi phí đầu tư loại cây này khoảng 1 tỷ đồng/ha; năng suất dự kiến sau 6 năm trồng ước đạt 11 tấn/ha. Giá bán bình quân 1 kg vào khoảng 1,7 triệu đồng, giá trị thu nhập 1 ha sau khi trừ chi phí đạt khoảng 18 tỷ đồng. Cây phân bố chủ yếu tại các vùng núi cao trên 1.000m của các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên, Tam Đường.
Với lợi thế này, tỉnh Lai Châu có tiềm năng lớn về phát triển các loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao.
Vượt nghèo, làm giàu từ cây rừng
Phát triển dược liệu là giải pháp đang được UBND tỉnh Lai Châu quan tâm, xác định là hướng đi phù hợp với tái cơ cấu, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng, mang lại giá trị thu nhập cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân.
Đặc biệt là giúp bà con vùng sâu vùng xa và vùng biên giới từng bước thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Nhiều gia đình từ hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên khá giả, giàu có, kinh tế ổn định, mức sống nâng lên…
Theo ước tính, tỉnh có gần 900 loại dược liệu, trong đó có khoảng 20 loài cây thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm cần bảo tồn như: Bảy lá một hoa, sâm Lai Châu, lan kim tuyến… Vì vậy, song song với phát triển vùng dược liệu, tỉnh cũng chú trọng đến công tác bảo tồn và lưu giữ gen của các loại cây thuốc này.
Với trên 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, thảm thực vật phong phú, Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai rộng, có tiềm năng phát triển cây dược liệu quý hiếm. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, doanh nghiệp, người dân về bảo tồn, đầu tư phát triển cây dược liệu.
Bên cạnh đó, tỉnh hướng dẫn các vùng sản xuất áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Địa phương cũng đã lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, sự nghiệp khoa học… phát triển cây dược liệu.
Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Lai Châu đã triển khai các đề tài, dự án, mô hình nghiên cứu một số loại cây dược liệu quý như nghiên cứu bảo tồn phát triển các loại sâm Lai Châu, tam thất hoang ở huyện Mường Tè; nghiên cứu bảo tồn, phát triển một số loài cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế thuộc chi bảy lá một hoa; bảo tồn, phát triển xây dựng thương hiệu cây lan kim tuyến trên dãy Hoàng Liên Sơn…
Huyện Mường Tè có diện tích tự nhiên gần 267.500ha, trong đó, tỷ lệ che phủ rừng chiếm gần 66%, là huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh. Huyện đã thí điểm xây dựng Đề án sưu tầm, bảo tồn và phát triển cây sâm Lai Châu, thực hiện Nghị quyết 88/2019/NQ-QH, tỉnh định hướng phát triển huyện Mường Tè thành huyện dược liệu…
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chia sẻ: Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng của Trung ương và của tỉnh, huyện Mường Tè sẽ thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Lai Châu. Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, người dân tham gia trồng sâm Lai Châu được tiếp cận các chính sách của địa phương về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn cho thấy, trung bình 1ha sẽ trồng được khoảng 25.000 cây sâm Lai Châu, sau 5 năm sẽ thu hoạch khoảng 800kg sâm tươi. Hiện nay, trên thị trường, củ sâm từ 5-6 năm tuổi, trọng lượng khoảng 20 củ/kg có giá bán từ 80-100 triệu đồng/kg.
Sâm Lai Châu có đặc tính chỉ phát triển dưới tán rừng. Như vậy, việc phát triển cây sâm dưới tán rừng còn góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân địa phương.
Tại huyện Sìn Hồ, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng dược liệu. Thập niên 70 - 80 được xem thời kỳ hoàng kim của ngành dược liệu ở đây. Sìn Hồ từng là một trong những nông trường cung cấp dược liệu lớn trong nước. Vì nhiều lý do, nông trường dược liệu đã bị giải thể.
Thông qua thực hiện các chính sách 30a, 135, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030" huyện Sìn Hồ đã tập trung hỗ trợ khôi phục một số vùng dược liệu.
Khôi phục vùng trồng dược liệu đã giúp cho nhiều hộ nghèo ở các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, có cơ hội vươn lên. Phong trào trồng dược liệu lan rộng ra nhiều bản ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện.
Một số hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng các giống dược liệu khác như: Sa nhân tím, đương quy, đỗ trọng. Trên địa bàn xã Sà Dề Phìn cũng đã có một số cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư trồng khảo nghiệm sâm Lai Châu và một số loại dược liệu quý khác dưới tán rừng, qua kiểm tra đánh giá đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Đưa dược liệu thành hàng hóa chất lượng cao
Từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu triển khai và đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ nghiên cứu về sâm Lai Châu.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, sâm Lai Châu thuộc chi Nhân sâm, họ Ngũ gia bì. Sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang).
Sâm Lai Châu có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với sâm Ngọc Linh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra sâm Lai Châu là nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới.
Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần. Người dân địa phương đã biết sử dụng sâm Lai Châu đem sấy khô cất trong nhà để bồi bổ sức khoẻ, chữa dạ dày... Do đó, sâm Lai Châu có nhiều tiềm năng để phát triển gây trồng và chế biến thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các loại dược liệu có thể chế biến thành trà, làm đồ ăn, gia vị, thực phẩm... đóng gói bao bì chuyên nghiệp, bảo quản tốt và dễ vận chuyển.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, cây sâm Lai Châu thuộc nhóm II A, trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (Phụ lục CITES) theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; có định hướng phát triển trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận bảo hộ giống cây trồng…
Đó là những cơ sở pháp lý để phát triển loại dược liệu quý này thành hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm đặc trưng của tỉnh gắn liền với các sản phẩm du lịch, tour trải nghiệm…
Ông Trần Tiến Dũng mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Ngoài bỏ vốn, bỏ giống, bỏ công sức thì các doanh nghiệp phải coi trọng yếu tố khoa học, công nghệ trong trồng và phát triển loài cây này.
Cần kết nối, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển trong lĩnh vực trồng, chế biến cây sâm Lai Châu. Chú trọng xây dựng vườn bảo tồn, vườn giống gốc và cơ sở sản xuất giống; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận cho sâm Lai Châu để quảng bá, nâng cao giá trị cho các sản phẩm của sâm.
Lai Châu và các địa phương trong tỉnh sẽ cam kết hỗ trợ, ủng hộ các doanh nghiệp bằng cách quy hoạch vùng trồng, bằng cơ chế, chính sách, bằng việc kết nối với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như chuyển giao khoa học, công nghệ.
Thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị trong, ngoài nước tiến hành khảo sát để định hướng đầu tư. Từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu. Mặt khác, tỉnh cũng thông qua Đề án Phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030 trên địa bàn, đưa dược liệu thành mặt hàng chất lượng cao, có thị trường rộng khắp.
Quỳnh Nga