Chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các hợp tác xã
Hiện nay, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2024, Luật Hợp tác xã năm 2023 sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành gồm 12 Chương, 115 Điều, với nhiều điểm mới nổi bật giúp các tổ chức kinh tế tập thể phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.
Thống kê cho thấy hiện nay, trong hơn 31.000 hợp tác xã, hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước.
Đáng lưu ý, trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên.
Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, trong khuôn khổ Tháng hành động vì hợp tác xã năm 2024, sáng 11/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm.”
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhấn mạnh Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
Đến nay, cơ sở chính trị, pháp lý để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã tương đối đầy đủ. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, ngày càng thể hiện rõ vai trò trong phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Cũng theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cả nước có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã). Các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi.
Nhấn mạnh về việc chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các hợp tác xã, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, kinh tế tập thể và hợp tác xã cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi giá trị, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách về ưu đãi tín dụng, hợp tác xã được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hơn nữa, hợp tác xã còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng...
Tuy nhiên, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc thực hiện liên kết do không tìm được hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.
Vì vậy, ông Lê Đức Thịnh Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của hợp tác xã về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã; trong đó, doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy hợp tác xã tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua hợp tác xã.
Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp-hợp tác xã-nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và liên kết.
PV