Thách thức để duy trì cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu
Trao đổi tại Smart Banking 2023 chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”, ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, hiện nay bên cạnh việc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, ngành ngân hàng còn phải thích ứng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, cùng những thay đổi trong hành vi khách hàng.
Do vậy, để có thể cung cấp các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, những dịch vụ cá nhân hóa cao tăng trải nghiệm của khách hàng, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được các đơn vị trong ngành ngân hàng coi trọng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu số trong ngành ngân hàng, ông Trần Văn Tần phân tích: Dữ liệu số sẽ giúp cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Sự phát triển nhanh chóng của chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu trong ngành ngân hàng đã tạo ra những lợi ích đáng kể. Cụ thể như, các ngân hàng có thể tăng cường việc tiếp cận khách hàng, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính cá nhân hóa cao, đồng thời tối ưu hóa quy trình phát hiện rủi ro và phòng ngừa gian lận, cải thiện quy trình vay và xử lý hồ sơ vay vốn, tăng cường khả năng dự đoán và phân tích thị trường.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Tuy vậy, trong quá trình chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ thêm.
Phát triển ngân hàng mở là xu hướng ‘không thể cưỡng lại’
Ở góc độ của một trong những ngân hàng đang tích cực chuyển đổi số, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho rằng phát triển ngân hàng mở là xu hướng ‘không thể cưỡng lại’ của lĩnh vực ngân hàng: “Chúng ta cũng không thể độc quyền, không thể ‘ngăn sông cấm chợ’, hay ngăn chặn chia sẻ để một mình khai thác được”.
Khẳng định việc tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào một cách an toàn, hiệu quả là mục tiêu của ngành ngân hàng nói chung và TPBank nói riêng, ông Nguyễn Hưng chỉ rõ: Việc này đòi hỏi các lãnh đạo ngành ngân hàng cũng phải có tư duy cởi mở hơn để cung cấp các tiện ích, dịch vụ tốt nhất cho người dùng.
Ngân hàng mở là mô hình cho phép các ngân hàng có thể trao đổi các thông tin, dữ liệu khách hàng với các tổ chức khác dựa trên sự cho phép của khách hàng, từ đó tạo ra các cơ hội cung cấp dịch vụ cho người dùng một cách toàn diện, thuận tiện.
Với ngân hàng mở, các dịch vụ xoay quanh nhu cầu khách hàng từ tài chính đến phi tài chính. Mô hình này cũng tạo ra các lợi thế cạnh tranh, các dịch vụ và cơ hội kinh doanh mới; đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện. “Ngân hàng mở đặt khách hàng vào trung tâm, cung cấp dịch vụ tận nơi ngay trên các nền tảng đối tác như Fintech, thương mại điện tử, trung gian thanh toán, viễn thông...”, ông Nguyễn Hưng thông tin.
Điểm ra kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Tổng giám đốc TPBank kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra định hướng chiến lược và các chính sách, hướng dẫn cụ thể để quản lý mô hình ngân hàng mở phù hợp với môi trường, điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Nhận định việc triển khai mô hình ngân hàng mở sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho hệ thống ngân hàng, song lãnh đạo TPBank cũng chỉ rõ những rủi ro, thách thức từ mô hình này, đơn cử như rủi ro dữ liệu - Dữ liệu từ nhiều nguồn nên cần được bảo mật, quy chuẩn, đồng bộ và xác thực; rủi ro bên thứ ba – Cần phân định trách nhiệm các bên khi xảy ra sự cố thất thoát dữ liệu, tổn thất tài chính cho khách hàng; rủi ro công nghệ - Cần liên tục nâng cấp nền tảng công nghệ để đáp ứng lưu lượng sử dụng và bảo mật.
Từ quan sát thực tế triển khai của TPBank và các ngân hàng tại Việt Nam, đại diện TPBank cho biết, khung pháp lý bảo mật dữ liệu khách hàng hiện đã có, tuy nhiên chưa có hướng dẫn triển khai rõ ràng. Vì thế, cần ban hành văn bản hướng dẫn, hội thảo định hướng, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai đồng bộ, thống nhất.
Tương tự, đến nay các thông tư, nghị định của các cơ quan quản lý cho hệ thống ngân hàng đã có; song vẫn cần ban hành thêm các quy định, hướng dẫn cụ thể với các bên tham gia ngân hàng mở khác như Fintech, sàn thương mại điện tử, các tổ chức doanh nghiệp khác...
Ngoài ra, do chưa có quy chuẩn kỹ thuật thống nhất, nên để phát triển mô hình ngân hàng mở, ngành ngân hàng còn cần xem xét việc ban hành quy chuẩn API framework, cơ chế thí điểm có kiểm soát sandbox và quy chuẩn an toàn bảo mật.