Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La. Nơi đây là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc Mông, Mường, Thái…
Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu là nơi khám chữa bệnh cho toàn bộ dân số sống trên địa bàn. Hơn 10 năm công tác tại đây, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Anh Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, các bác sĩ ở đây gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị thiếu thốn. Đặc biệt, đồng bào người dân tộc thiểu số có nhiều hủ tục trong chữa bệnh. Bản thân bác sĩ Tuấn cũng nhiều lần chứng kiến các ca cấp cứu "có một không hai" của người dân.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ, anh đã gặp rất nhiều người bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số, dù mắc bệnh nặng nhưng không chịu điều trị mà lựa chọn cúng bái. Nếu không kiên trì thuyết phục họ tham gia điều trị thì chính bác sĩ cũng bỏ lỡ rất nhiều cơ hội hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.
Một ca bệnh đặc biệt khiến bác sĩ Tuấn nhớ rõ khi mới về công tác tại bệnh viện được hơn 1 tháng. Trong một đêm trực, anh cùng các bác sĩ khác tiếp nhận bệnh nhân người dân tộc Mông bị ngã gãy hở cẳng tay.
Khi thăm khám vùng chấn thương, anh đã "sốc" vì thấy nguyên một con gà đã rạch bụng được bó vào tay của bệnh nhân.
Sau đó, các đồng nghiệp giải thích cho anh Tuấn rằng người dân làm vậy do quan niệm “chó liền da, gà liền xương”. Tuy nhiên, liền xương chưa thấy đâu mà chỉ thấy vết thương bị nhiễm trùng, phải điều trị rất lâu mới khỏi bệnh.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ thêm, rất nhiều trường hợp bệnh nhân tin vào những biện pháp điều trị lạc hậu, vô lý như bị viêm ruột thừa nhưng không đồng ý cho mổ mà đòi về cúng bái. Sau cúng vài ngày không thấy khỏi, lúc đau hơn người bệnh mới đến viện thì ruột thừa đã vỡ gây viêm phúc mạc. Tình trạng bệnh vừa gây vất vả cho bác sĩ phẫu thuật, vừa ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân, phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện.
Trường hợp khác là bệnh nhân bị sỏi niệu quản, có chỉ định tán sỏi nhưng không lựa chọn điều trị bằng y học hiện đại mà lại nghe người khác “mách” uống các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc dẫn đến tình trạng suy thận cấp, ngộ độc…
Sau quá trình làm việc lâu dài, bác sĩ Tuấn nhận thấy việc giải thích, nói chuyện với bệnh nhân là không đủ để thay đổi quan niệm, niềm tin của nhiều người về các biện pháp điều trị không có cơ sở khoa học. Các bác sĩ phải “mặc cả” với bệnh nhân, nếu quyết tâm về cúng bái thì cúng xong hãy ra viện để được phẫu thuật, được điều trị ngay, nhất là trong giai đoạn viêm cấp tính. Đồng thời cũng liên hệ với người có uy tín tại xã, bản của bệnh nhân để động viên người bệnh đến viện điều trị.
Gần đây nhất, trong một đợt khám thiện nguyện, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã thăm khám cho một bệnh nhân ở xã biên giới Chiềng Khừa. Chị này mới 25 tuổi nhưng đã sinh đến 5 lần, lần sinh gần nhất cách 5 tháng nhưng em bé không sống được quá 1 tháng. Bệnh nhân tự sinh đẻ tại nhà, sau đó nằm liệt giường. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân liệt mác chung hai bên.
Gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, chồng và bố mẹ chồng đều nghiện ma túy nên không có ai chăm sóc và cũng không ai đưa đi viện, chỉ cúng và cho uống thuốc lá.
Để hỗ trợ trường hợp này, các cô giáo mầm non cùng các anh bộ đội biên phòng, các bác sĩ đã phối hợp đưa bệnh nhân ra Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu để thăm khám, điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Vi Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, để đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi các quan niệm, hủ tục trong khám chữa bệnh cần rất nhiều sự kiên trì và thời gian.
Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, bác sĩ giới thiệu lên tuyến trên nhưng họ sợ tốn kém nên xin về luôn để mời thầy cúng. Khi đó, các bác sĩ nhận ra rằng bệnh viện cũng cần phát triển nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân để lấy niềm tin với bà con.
Vì vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đã không ngừng phát triển cả về cơ sở vật chất và con người. Đến nay, đã điều trị thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo; nhiều trường hợp khó được thực hiện tại bệnh viện như điều trị cấp cứu đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các bệnh hồi sức tích cực, thụ tinh nhân tạo theo phương pháp IUI, phẫu thuật nội soi sản khoa, phẫu thuật nội soi tiền liệt tuyến, tiết liệu, tán sỏi, nội soi khớp gối, thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật sọ não, cột sống... Qua đó, giúp giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân tại địa phương.