Máy bay cũ, mỗi khi bay vào trời mưa là dột nước, nhưng các phi công của Trung đoàn không quân vận tải 919 đã vượt qua gian khó, thực hiện hàng trăm chuyến bay chở bộ đội, vũ khí, cứu trợ cho đồng bào… trong những năm tháng chiến tranh.
65 năm trước, đúng Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1959), tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Trung đoàn Không quân vận tải 919, đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của nước ta được thành lập.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, Trung đoàn 919 còn trực tiếp tham gia chiến đấu.
Trong giai đoạn từ năm 1965 - 1968, không quân Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trung đoàn 919 dừng nhiệm vụ bay vận tải hành khách, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu, bay chuyên cơ, chở vũ khí, lương thực cho quân đội và tiếp tế cho các địa phương.
Là thế hệ phi công thứ 2 của Đoàn bay 919 từ năm 1964, ông Trần Hữu Thọ cho biết đó là khoảng thời gian quá nhiều gian khó nhưng cũng rất đỗi hào hùng.
“Năm 1968, trong cuộc phản công vào miền Nam, chúng tôi được lệnh xuất kích trực tiếp ném bom ở Thừa Thiên Huế. Tôi nằm trong nhóm bay đầu tiên, khi bay qua Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị, bản thân tôi thấy rất xót xa thấy cảnh đất nước bị tàn phá. Nhìn xuống quê hương, trong lòng tôi thầm nhủ: “Mẹ ơi, trên đầu mẹ, không phải máy bay địch, mà là người con trai của mẹ…", ông chia sẻ.
Với người phi công này, việc bay trong điều kiện không có định vị, dẫn đường, bay đêm không có đèn sân bay, bay thực hiện các nhiệm vụ chưa từng được huấn luyện như thả hàng tiếp tế, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt… là những ký ức không thể nào quên.
"Việc bay thả hàng tiếp tế, cứu trợ đồng bào được thực hiện trong điều kiện khí tượng phức tạp, rất khó quan sát, rất nguy hiểm. Đặc biệt để tiếp tế được cho đồng bào, máy bay phải bay sát mặt nước. Không chỉ bay chở hàng tiếp tế cho người dân Việt, chúng tôi còn bay suốt ngày đêm thả hàng tiếp tế cho nhân dân Lào”, ông Thọ kể lại.
Trong sự xúc động, người phi công đã luống tuổi không quên nhắc đến kỷ niệm đêm giao thừa năm 1967. Đó là khi đoàn bay vừa về đến phòng khách thì nhận được món quà là gói bánh và bài thơ chúc Tết của Bác Hồ.
Vượt lên gian khó
Ông Phạm Huy Vận là thế hệ phi công thứ 3 của Trung đoàn 919. Ông chia sẻ, khi đơn vị thành lập 6 năm thì ông được biên chế về đoàn bay.
Nhớ về những ngày đầu tiên đào tạo không có giáo án, chỉ là lớp phi công trước dạy lại lớp sau, ông Vận cười kể: “Chiến tranh mà. Có lúc chúng tôi phải học ở nơi sơ tán, học nhờ nhà dân, học ở đình chùa. Thiếu thốn trăm bề. Việc học đều diễn ra trong tưởng tượng, bởi những dụng cụ học tập, mô hình học về bay không có. Anh em toàn học "chay" theo kinh nghiệm của người đi trước.
Ấy vậy mà việc học nào có được yên. Năm 1967 Mỹ liên tục đánh phá miền Bắc, trong đó có Hải Phòng. Những giây phút anh em vừa học vừa chạy máy bay ném bom diễn ra như cơm bữa".
Theo lời kể của ông Vận, có lần tưởng chừng như lớp học bị xóa sổ vì địch thả bom. Cả lớp chỉ kịp chạy đến rãnh thoát nước, bom đánh rát hai bên, nhưng rất may mọi người đều an toàn. Sau 7- 8 tháng học trong thiếu thốn, gian khó, các phi công bắt đầu được bay.
Trải qua những lần điều khiển máy bay cũ của Liên Xô chuyên chở bộ đội, hàng hóa, vũ khí mà không phải máy bay chiến đấu, ông Vận tiết lộ “nội thất của nó không có gì”.
"Hồi đó, dòng máy bay cường kích Ilyushin Il-2 của Liên Xô chế tạo rất thô sơ, có máy bay còn bị dột, không có điều hòa, càng lên cao càng lạnh. Có lần đang bay, không nghe thấy tiếng động cơ, nhìn ra ngoài mới thấy cánh quạt đứng yên, động cơ ngừng hoạt động. Lúc đó, chúng tôi bình tĩnh xử lý, bằng cách cầm vào tay ga lắc đi lắc lại, động cơ đã chạy lại”, ông Vận kể.
Đánh giá về những năm tháng đầu tiên hoạt động của Trung đoàn 919, Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân nhận định, dù khó khăn vất vả nhưng đơn vị đã khẳng định được vai trò của mình.
“Trung đoàn đã trực tiếp chiến đấu trên cả ba mặt trận trong đó có tham gia bắn máy bay, tiêu diệt đài ra-đa dẫn đường cho máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, bắn chìm tàu của Mỹ… Đó là chiến công không phải Không quân vận tải nước nào cũng làm được”, Thiếu tướng Bùi Tố Việt nói.
Vào những năm tháng oanh liệt, Trung đoàn 919 đã lập những chiến công vang dội như đánh chìm và bắn hỏng hai tàu địch trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968; chở phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán và ký Hiệp định Paris; cứu trợ đồng bào lũ lụt trong trận vỡ đê sông Hồng năm 1971…
Trung đoàn 919 cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước. Các máy bay Không quân vận tải – hàng không dân dụng đã thực hiện hàng trăm chuyến bay, cơ động cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển vũ khí, phương tiện kỹ thuật, thuốc men… đáp ứng nhu cầu cấp bách cho chiến dịch.
Ngày toàn thắng, các chuyến bay của Không quân vận tải đã đưa lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Sài Gòn dự lễ mừng thống nhất đất nước.