TS Hiếu cho biết, giây phút đặt bút ký tên quyết định hiến tạng anh rất xúc động, hạnh phúc. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Có duyên với việc cứu người
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu SN 1979, là giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Tuổi thơ cơ cực đã tôi rèn cho anh đức tính khiêm nhường, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Từ những năm tháng còn là “cậu sinh viên nghèo đen đúa”, anh đã được mọi người quý mến vì nhiều lần cứu sống người gặp tai nạn giao thông. Anh kể: “Không hiểu vì sao, suốt thời sinh viên và bây giờ, tôi gặp, đưa rất nhiều người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện”.
“Tôi đưa nhiều đến nỗi rút ra kinh nghiệm, khoảng thời gian từ lúc bị nạn đến khi vào bệnh viện là “thời gian vàng” của nạn nhân. Thế nên, mỗi khi phát hiện người gặp nạn, tôi luôn tìm mọi cách đưa họ vào bệnh viện nhanh nhất có thể”, anh nói thêm.
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục đăng ký hiến tạng, anh mới thông tin cho gia đình, bạn bè về hành động đầy nhân văn này. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Và, “cái duyên lạ lùng” ấy mang lại cho vị tiến sĩ trẻ không ít rắc rối. Nhiều lần anh bị người dân đi đường, bệnh viện giữ lại vì lầm tưởng chính anh gây ra tai nạn… Thậm chí có lần, anh bị người nhà nạn nhân chửi bới, hành hung vì nghĩ anh gây ra tai nạn rồi bỏ trốn.
Bị phiền hà, hiểu lầm đủ kiểu nhưng anh vẫn không chịu từ bỏ “cái việc không phải của mình”. Khi được hỏi, anh nói, anh đưa người gặp tai nạn vào bệnh viện không phải vì thương hay nghĩ cho những người này.
Ngược lại, anh làm việc vì nghĩ đến những gì sẽ xảy ra nếu người gặp tai nạn không may mất đi. TS Hiếu chia sẻ: “Khi họ mất đi, nỗi đau ấy sẽ ập lên người thân của họ. Những người còn sống sẽ chịu đựng nỗi đau rất lớn này trong suốt cuộc đời mình. Thế nên, nếu thấy mình có thể ngăn chặn nỗi đau ấy xảy ra, tôi luôn cố gắng hết sức”.
Ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã nhiều lần cứu người bằng cách đưa người gặp tai nạn giao thông vào bệnh viện. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Anh nói thêm, nhiều trường hợp, dù được đưa vào bệnh viện rất sớm nhưng người gặp tai nạn vẫn tử vong vì thiếu bộ phận ghép tạng. Điều này “ám ảnh” anh từ khi còn là sinh viên đến khi trở thành giảng viên đại học. Thế rồi anh gặp một cú sốc lớn khiến anh dần nghĩ đến việc sẽ hiến tạng.
Anh kể: “Tôi gặp tai nạn. Lúc tỉnh lại, nhìn thấy hình ảnh của mình lúc gặp nạn trong ảnh, tôi vô cùng sửng sốt. Tôi nhận thấy rằng, cái chết xảy đến thật bất ngờ. Lúc đó, tôi bắt đầu nghĩ đến việc sẽ để lại gì khi mình bất ngờ ra đi ở cái tuổi này. Tôi dự định sẽ hiến tạng”.
Lan tỏa thông điệp hiến tạng cứu người
Bắt đầu suy nghĩ đến việc hiến tạng, TS Hiếu tìm hiểu các bài viết, công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Một trong những lần như vậy, anh được tiếp cận tài liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, tiềm năng tuổi thọ của con người là từ 120-140 năm.
TS Hiếu phân tích: “Nghiên cứu này chỉ ra rằng, từng bộ phận trên cơ thể con người có thể sống được từ 120-140 năm. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ sống được ½ số tuổi thọ nói trên. Nguyên nhân dẫn đến cái chết là do một bộ phận nào đó trên cơ thể của con người bị hư hại”.
TS Hiếu cho rằng, hiện nay, xã hội nước ta vẫn bị lối suy nghĩ chết phải toàn thây đè nặng. Để thay đổi suy nghĩ lạc hậu này cần có sự tiên phong của tầng lớp trí thức. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
“Ví dụ có người chết vì tim, gan, thận… bị hư hại trong khi các bộ phận khác của cơ thể còn rất tốt và có thể tiếp tục sống trong nhiều năm nữa. Sẽ rất lãng phí nếu người chết vì bệnh tim mà phải bỏ hết những bộ phận cơ thể còn lại. Từ những lẽ trên, tôi cứ băn khoăn, tại sao mình không để lại những bộ phận của cơ thể mình cho người khác khi mình chết đi? Cuối cùng, tôi quyết định ký tên hiến tạng”, TS Hiếu kể thêm.
Sau khi hoàn tất các thủ tục và đăng ký hiến tạng thành công, vị tiến sĩ trẻ mới nói cho gia đình, người thân của mình biết. Anh nói rằng, sở dĩ anh quyết định “làm theo kiểu tiền trảm hậu tấu” vì không muốn bị tác động nào đó từ gia đình khiến việc đăng ký hiến tạng kéo dài.
Anh nói: “Tôi tin rằng, sau khi biết tôi đã đăng ký hiến tạng, gia đình, bạn bè tôi sẽ hiểu ý nghĩa của hành động này. Tôi muốn xã hội có cái nhìn tích cực hơn về việc hiến tạng cứu người. Bởi, hiện nay, xã hội chúng ta vẫn bị lối suy nghĩ chết phải toàn thây, phải đẹp, phải lành lặn… đè nặng”.
Theo anh, hiện nay, ngày càng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng đăng ký hiến tạng. Nghệ sĩ Quyền Linh là một ví dụ. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Theo TS Hiếu, điều này làm cho việc hiến tạng ở nước ta gặp những khó khăn nhất định. Anh cho rằng: “Tầng lớp trí thức trong xã hội phải là lực lượng tiên phong trong việc thay đổi lối suy nghĩ ấy. Đó là lý do các nghệ sĩ, người nổi tiếng như: Quyền Linh, Việt Trinh, Hoa hậu Mỹ Linh… đã tham gia đăng ký hiến tạng”.
Sau khi đăng ký hiến tạng thành công, TS Hiếu nói anh rất hạnh phúc. Bởi, không chỉ làm được một hành động có ý nghĩa mà anh còn góp phần lan tỏa thông điệp hiến tạng cứu người.
“Sẽ rất tuyệt vời nếu như ngay cả khi đã trở về với hư không, cát bụi, mình vẫn có thể để lại gì đó cho cuộc đời. Bằng cách hiến, cho đi các bộ phận cơ thể, tôi có thể cứu sống những người khác. Những bộ phận của cơ thể tôi vẫn ở lại, có ý nghĩa với cuộc đời. Bởi, cho đi là còn mãi”, TS Hiếu chia sẻ thêm.
Hiến tạng con trai cứu 6 người, bà mẹ Lâm Đồng bị xa lánh
3 - 4 năm đầu sau khi bà hiến tạng đứa con vắn số, bà Mừng sống trong nước mắt. Bà đau đớn vì bị hàm oan, mang tiếng sống trên xác con...
Nguyễn Sơn