Quân đội Vương Bài lấy đề tài về quân đội Trung Quốc có sự góp mặt của dàn diễn viên Tiêu Chiến, Hoàng Cảnh Du, Chung Sở Hi...
Dàn diễn viên phim Tiêu Chiến, Hoàng Cảnh Du, Chung Sở Hi... |
Khi đối chiếu lại lịch sử, nhiều khán giả Việt cho rằng phim xuyên tạc lịch sử năm 1979... Bên cạnh đó, phần phục trang của những người lính trong phim tương đồng với quân phục của quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.
Không ít khán giả bày tỏ bức xúc ngay khi thông tin về phim Quân đội Vương Bài được đăng tải. Tài khoản Binh Van phản bác bài viết: "Lịch sử mãi mãi là sự thật, phim đã phản ánh sai lệch mọi thông tin". Quocviet82 bình luận: "Tôi kêu gọi tẩy chay phim vì lòng tự tôn dân tộc. Không ai xem phim và công nhận những điều dối trá". Minh Khang - một du học sinh Việt đang du học tại Trung Quốc cho biết: "Tôi ngưỡng mộ văn hóa Trung Quốc nhưng lòng tự tôn dân tộc không cho phép tôi nghe, xem những rác phẩm gây bất lợi cho nước mình".
Quân phục của quân đội Trung Quốc trong giai đoạn diễn ra chiến tranh biên giới 1979 (ảnh trên) và trang phục của các diễn viên Trung Quốc mặc trong bộ phim (ảnh dưới) giống nhau. |
'Núp bóng văn hóa'
Đây không phải là lần đầu tiên nhà làm phim Trung Quốc có những hành vi xuyên tạc, cài cắm nội dung đề cao tư tưởng bành trướng lãnh thổ trong các tác phẩm họ sản xuất. Trước đó, dư luận phẫn nộ khi tình tiết về đường lưỡi bò, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam được trực tiếp đưa vào các phim như: Người tuyết bé nhỏ, Nhất sinh nhất thế, Lấy danh nghĩa người nhà, Một đời một kiếp, Em là thành trì doanh lũy… và gần đây nhất có Em là niềm kiêu hãnh của anh do cặp đôi Dương Dương - Địch Lệ Nhiệt Ba đóng chính.
Giáo sư Nguyễn Công Lý, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ quan điểm với VietNamNet với câu chuyện những bộ phim cố tình lật ngược lịch sử. Theo đó, GS Lý nhận định đây chính là hình thức “núp bóng văn hóa” của phim Trung Quốc.
“Việc để hình ảnh sai trái về lịch sử, chính trị vào những tác phẩm nghệ thuật là một tính toán có chủ đích của họ. Khi khái niệm “đường lưỡi bò” không được quốc tế công nhận, họ lựa chọn nhiều kênh, nhiều cách khác để truyền bá mà phim ảnh là con đường ngắn và dễ xâm nhập nhất. Nếu không cảnh giác, khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng độc hại này”, ông nói.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Công Lý, âm mưu cài cắm yếu tố sai sự thật qua các sản phẩm giải trí là rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh phát triển của nền tảng phim chiếu mạng, hiện tượng này phổ biến và sẽ càng lan rộng nếu không có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt từ cơ quan chức năng.
Giáo sư Lý nhận định việc quản lý triệt để sẽ là bài toán khó. Nhưng khó không có nghĩa là không khả thi và chùn bước. Lãnh đạo các ban ngành cần tính toán giải pháp để bài trừ triệt để những tác phẩm có nội dung sai lệch, đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền đến dư luận.
Khán giả cần tỉnh táo
Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho biết Trung Quốc trong những năm qua luôn sử dụng “quyền lực mềm” ngoại giao, trong đó lĩnh vực văn hóa, giải trí được họ đẩy mạnh.
Trong mỗi tác phẩm được phát hành, nước này đề cao chủ nghĩa anh hùng, ca ngợi tinh thần dân tộc cực đoan. Chính sự hư cấu thô bạo về lịch sử là mối nguy khôn lường đối với những quốc gia, khu vực đã và đang có những bất đồng với Trung Quốc.
“Những phim như Chiến lang, Điệp vụ biển đỏ… hay mới đây là Quân đội Vương Bài cho thấy Trung Quốc luôn muốn phô trương thanh thế, sức mạnh về quân sự dù theo tôi rất khoa trương và xa rời thực tế. Một mặt, họ muốn được quốc tế công nhận. Mặt khác họ khơi gợi tinh thần dân tộc từ chính những người trẻ trong nước”, anh nhận xét.
Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm. |
Anh Lê Hồng Lâm cho biết trong câu chuyện trên, giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức rõ về chủ quyền dân tộc. Việc thần tượng diễn viên, đam mê phim ảnh nhưng bên cạnh đó cũng rất cần có sự lý trí, tránh cổ xúy những điều sai trái đi ngược lại với lịch sử nước nhà.
Đồng quan điểm, đạo diễn/ nhà sản xuất Charlie Nguyễn cho biết anh từ lâu không theo dõi phim Hoa ngữ. Theo anh, mỗi quốc gia khi sản xuất tác phẩm nghệ thuật đều đứng ở góc độ của họ để ca ngợi, đưa mình về phía lẽ phải. Thực tế Trung Quốc với câu chuyện 'đường lưỡi bò' đã xuất hiện tràn lan trên phim ảnh từ nhiều năm qua.
"Tôi nghĩ khán giả hiện nay rất thông minh. Khi xem phim và nhận thấy có dấu hiệu bất ổn, họ sẽ lập tức phản ứng và lan tỏa thông điệp tẩy chay trong cộng đồng. Phim ảnh vốn dĩ phản ánh cái hay, cái đẹp về xã hội, con người qua từng thời đại. Việc chính trị hóa điện ảnh cần sự quan tâm và hiểu biết đúng từ khán giả để tránh những hệ lụy đáng tiếc", anh nói.
Tuấn Chiêu
Bị cộng đồng mạng tẩy chay, Thành Long không đến Việt Nam
Với phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng Việt Nam, Operation Smile sẽ không tổ chức bất cứ hoạt động nào có sự tham gia của diễn viên Thành Long trong đợt kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức này tại Việt Nam.