Sáng 16/12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022.
Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, thành phố còn tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm của sở ngành, địa phương khiến doanh nghiệp thấy choáng, thậm chí đến người chủ trì cũng không hiểu mục tiêu, hướng giải quyết là gì.
“Doanh nghiệp cần sự rõ ràng, được hoặc không được. Ngoài vấn đề pháp lý thì thái độ, trách nhiệm khi tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp là điều rất quan trọng”, ông Hoan nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, ông Hoan thông tin, nhiều doanh nghiệp rất chia sẻ với TP.HCM khi hồ sơ bị trễ. Nhưng cần phải biết, đối với doanh nghiệp thời gian là tiền bạc, một ngày chậm là tiền tỷ đổ ra, cơ hội đầu tư mất đi mà không có cơ hội khác để nắm bắt lại.
Ông cho rằng, trách nhiệm này không chỉ của Sở TN-MT mà còn liên quan đến quy hoạch, giao thông, đầu tư…
Cũng theo ông Hoan, TP.HCM không phải là địa phương đầu tiên thực hiện đánh giá DDCI nhưng thành phố có tính đặc thù, bởi đây là trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, thu hút đầu tư. Do đó phải có cách đánh giá mới, đảm bảo khách quan, độc lập, vô tư, không can thiệp, nhất là không làm như trước đây phải xin ý kiến, trao đổi, cân qua cân lại.
Chỉ số PCI TP.HCM luôn tụt hạng
Theo ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, đối tượng được đánh giá (DDCI) gồm 22 địa phương và 25 sở, ban, ngành (16 sở chuyên ngành, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Cục Hải quan, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM và Công an TP.HCM).
Việc đánh giá thông qua 8 chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính chủ động và hiệu lực, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Về phương pháp, ông Chánh cho biết, thực hiện khảo sát trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp. Hiện đơn vị tư vấn đã bắt đầu khảo sát và dự kiến hoàn thành đánh giá, công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 vào tháng 3/2023.
Cụ thể, sẽ khảo sát khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trong đó có 8.000 doanh nghiệp khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp khối sở, ngành; số lượng phiếu khảo sát dự kiến khoảng 29.000 phiếu.
Dự kiến tháng 3/2023 mới công bố kết quả, nhưng Phó Chủ tịch TP Võ Văn Hoan đề nghị các sở ngành, địa phương phải thay đổi từ bây giờ và thường xuyên điều chỉnh để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Được biết, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM luôn trong top 10, nhưng từ 2018 bắt đầu tụt hạng và hai năm qua đều "dậm chân" ở vị trí thứ 14 trong số các tỉnh, thành (nhóm khá).