Rủ nhau chơi khắp Long Thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…”. Câu ca dao xưa đã khái quát về những con phố nghề truyền thống mà những người thợ tài hoa của các địa phương đã hội tụ về chốn kinh kỳ để lập nên các phường nghề. Lướt qua tên phố với chữ “Hàng” ở trước, tên nghề theo sau, người ta có thể nhận biết ngay phố ấy chuyên kinh doanh mặt hàng nào.
Hà Nội và những phố “Hàng…”
Quả vậy, phố Hàng Đào chuyên bán các loại vải điều, tơ lụa. Phố Hàng Bông có nghề bật bông, chuyên bán màn bông, chăn đệm. Phố Hàng Mã bán đồ vàng mã. Muốn mua mâm, đỉnh, lư hương, hạc thờ... người ta tìm đến phố Hàng Đồng. Tìm mua lược sừng, lược gỗ phải đến phố Hàng Lược. Phố Mã Mây ngày nay, nguyên là tên ghép lại của hai con phố: Hàng Mã và Hàng Mây nằm giáp sông Nhị Hà, là nơi tập trung thuyền bè vận chuyển song, mây, tre, nứa. Phố Hàng Bạc vốn là phường đúc bạc cho triều đình...
Ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống và nhu cầu của thị trường, không ít phố nghề đã lặng lẽ biến mất, thậm chí cái tên cũng không còn. Có lẽ không nhiều người biết hoặc còn nhớ đến những tên phố như: Hàng Trứng, Hàng Áo, Hàng Bừa, Hàng Cau, Hàng Cuốc, Hàng Đàn, Hàng Giò, Hàng Kèn... Như ông Paul Doumer người đảm nhận Toàn quyền Đông Dương 1897 (sau đó làm Tổng thống Pháp (1931- 1932) từng hồi tưởng: “Khu phố Annam rất kỳ lạ. Những đường phố hẹp, những ngôi nhà thấp, những cửa hiệu tràn cả ra đường, người đông nhung nhúc. Chỗ này mới đích thực là Hà Nội”.
Những “nữ doanh nhân” phố Hàng Bạc thời xưa. Bà ngoại tôi ngoài cùng, bên trái, hàng đứng - ảnh chụp năm 1950 |
Rạp phim Trung Quốc nằm ở góc phố Hàng Bạc - Tạ Hiện. Nay là Rạp Chuông Vàng |
Trong số các hàng phố xưa của Hà Nội, phố Hàng Bạc có thể coi là nơi quy tụ nhiều cửa hàng kinh doanh bề thế. Vào thời thuộc Pháp cuối thế kỷ XIX, phố có tên tiếng Pháp là Rue des changeurs (phố của những người đổi tiền). Từ năm 1945 phố được đổi tên thành Hàng Bạc. Nghề kim hoàn truyền thống trên phố Hàng Bạc ngày nay có lịch sử phát triển từ một làng nghề khác ở Bắc Bộ, đó là làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), vị quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, ông vốn là người làng Châu Khê, được triều đình giao việc thành lập một xưởng đúc bạc nén (đơn vị tiền tệ dùng để trao đổi lấy hàng hoá) ở kinh thành Thăng Long (là Hà Nội ngày nay). Đầu thế kỷ 19, khi triều Nguyễn chuyển vào Huế có mang theo theo cả xưởng đúc bạc nén vào trong đó. Bấy giờ, phần lớn thợ Châu Khê còn ở Thăng Long vẫn tiếp tục với nghề kim hoàn truyền thống của mình, họ thành lập phường thợ ở tại phố Hàng Bạc ngày nay.
Đặc biệt, khi nói tới Hàng Bạc trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội 36 phố phường, nhiều người còn nhắc tới câu “con gái Hàng Bạc” với hàm ý những phụ nữ ở phố Hàng Bạc thường đẹp cả người, đẹp cả nết. Phụ nữ Hàng Bạc không chỉ giỏi trong làm ăn buôn bán, mà còn khéo nuôi con, duy trì những giá trị truyền thống của gia đình dòng họ.
Những triết lý kinh doanh một thời
Bà Hoàng Thị Khuê, cư dân phố Hàng Bạc, năm nay tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn mang nhiều nét đẹp dịu dàng của con gái Hàng Bạc xưa. Nói về nếp sống của gia đình mình, bà Hoàng Thị Khuê tâm sự: "Phụ nữ Hà Nội xưa nói chung và những người phụ nữ sinh ra ở phố Hàng Bạc nói riêng hầu như đều có khả năng kinh doanh buôn bán. Có những gia đình có tới tứ đại đồng đường do phụ nữ cầm trịch. Bà chồng, mẹ chồng, rồi đến con và cháu đời thứ tư, toàn phụ nữ kinh doanh...”.
Phố Hàng Bạc những năm 1940 |
Bà Khuê bảo, hồi những năm đầu thế kỷ 20, những người con gái phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bạc buôn bán giỏi đến mức họ có quyền chọn chồng. Thời đó có câu "phi Cao đẳng bất thành phu phụ", ý là nếu các chàng trai không học Cao đẳng thì đừng bao giờ nghĩ đến việc lấy họ làm vợ. Điều đáng khâm phục là các bà, các cô xưa hầu như không được cha mẹ cho đi học chữ, họ cứ kế nghiệp công việc buôn bán của gia đình, làm việc chăm chỉ và cư xử khéo léo như thể đó là năng khiếu thiên bẩm vậy thôi.
Không sống trên phố Hàng Bạc nhưng gia đình người viết bài này đã từng sống nhiều năm tại con ngõ Phất Lộc gần đó. Những người dân sống trong ngõ Phất Lộc cũng kinh doanh nhiều thứ để kiếm sống. Hoa kiều thì chủ yếu bán nộm thịt bò khô bên bờ hồ Hoàn Kiếm; giữa đoạn ngõ có nhà Phở Tý, có cửa hàng bán phở gà nổi tiếng ở phố Hàng Bạc; nhà 66 là quán cà phê cũng khá đông khách. Ngoài ra cũng còn vài nhà mở các cửa hiệu may đo, trồng răng, dệt thảm…
"Nghề kinh doanh là phải biết dùng người, nói như ngày nay "có tầm nhìn chiến lược". Tôn chỉ kinh doanh được các cụ thân sinh truyền lại chính là: Kinh doanh buôn bán thì phải ăn lời. Nhưng nếu mà kiếm được một đồng thì để cho con cháu bảy hào, còn ba hào làm từ thiện…", bà Hoàng Thị Khuê đúc kết |
Tôi còn nhớ, ngôi nhà của gia đình tôi là nhà gạch lớn, mang trong mình đầy đủ những đặc trưng của kiến trúc nhà phố thời Pháp thuộc. Cửa ra vào hai cánh lớn, phần còn lại của mặt tiền cũng được ghép bằng những tấm gỗ lim, rộng chừng 0,25m, cao chừng 2m. Khi các cụ bán hàng thì những tấm gỗ này được tháo ra vào mỗi sáng, để lộ ô cửa sổ rộng để bày hàng, và ghép kín lại với nhau khi chiều muộn. Trong nhiều năm hồi đầu thế kỷ 20, cụ tôi mở ở nhà một hiệu tạp hóa nhỏ để có thêm thu nhập. Bà ngoại tôi cũng mở một quầy bán đồ trang sức mỹ ký trên chợ Đồng Xuân.
Các cụ bảo, càng là người làm kinh doanh càng phải sống có đức, chớ trọng phú quý, chớ khinh bần hàn. Phải luôn thương người lao động để họ trung tín, hết lòng với công việc. “Mình hay cho đi thì lại có lộc. Người buôn bán là người ăn lộc trời”, bà ngoại tôi hay bảo thế. Phụ nữ, con gái Hà Nội thời ấy được các cụ dạy phải nhu mì, đảm đang. Không chỉ kiếm tiền làm giàu và tay hòm chìa khóa, họ được dạy phải coi chồng là chiếc cột cái về tinh thần trong gia đình, không bao giờ tỏ ra mình là kẻ làm ra tiền.
Bà ngoại tôi kể, các bác, các cô mở cửa hiệu kinh doanh tại phố Hàng Bạc đều là những thương nhân bẩm sinh. Dù họ có người không biết chữ, nhưng đầu óc họ như chiếc máy tính thời nay, không cần sổ sách cũng vẫn có thể nhớ như in từng số lẻ ai nợ, ai thiếu, không sai một cắc.
Trong ký ức gần trăm năm của những phụ nữ Hà thành như bà ngoại tôi, như bà Khuê, khu phố cổ luôn nổi tiếng với sự ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, giao thương. Nhà trong khu vực phố cổ quy mô không lớn, chủ yếu là nhà dạng ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán, phía trong là nơi ở. “Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”... phố cổ đi vào trí nhớ người xa Hà Nội chính là vẻ đẹp như vậy, cũng như những ký ức về những người phụ nữ hàng phố ngày ấy.
(Theo Tiền Phong)
10 nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
Họ là nữ "thuyền trưởng" chèo lái những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vượt qua khó khăn để đạt thành quả tốt nhất, trên thương trường, họ không còn là "phái yếu".