Tập đoàn Trung Nam đang nổi lên như một nhà đầu tư năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam, sở hữu nhiều dự án quy mô lớn. Đằng sau đó, là mồ hôi, nước mắt của những “người mở đường” cho ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.
Ngày 5/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Cuộc họp diễn ra ngày 24/9, tại trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình xử lý các kiến nghị, cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền... bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.
Trước đó, cuối tháng 8, Công ty Mua bán điện thuộc EVN đã có văn bản thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW. Theo đó, EVN dừng khai thác công suất 172,12MW kể từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế giá điện.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: "Trong vấn đề này, phía Trung Nam cũng có những thiếu sót là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật và EVN đã huy động đưa vào lưới điện".
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại thông báo cuộc họp ngày 11/3, cơ quan này đã tổ chức cuộc họp gồm EVN và Công ty Trung Nam, trong đó nêu rõ việc huy động nhà máy điện, mua bán điện giữa 2 DN dựa trên hợp đồng mua bán đã ký, khả năng truyền tải công suất của lưới điện và nhu cầu phụ tải hệ thống điện từng thời điểm để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 2/9, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương, EVN xem xét, tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án Nhà máy điện mặt trời điện mặt trời 450MW nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn và đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương, EVN chưa có ý kiến.
Do đó, ngày 4/10, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, EVN xem xét sớm có ý kiến tiếp tục huy động, ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện và ưu tiên khai thác công suất dự án nhà máy điện mặt trời 450MW nhằm hỗ trợ nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 500kV giải tỏa công công suất điện năng lượng tái tạo cả khu vực.