XEM CLIP:
Sáng 6/11, mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo Quốc hội việc thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc
Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; thu hút vốn FDI, ODA và vốn vay ưu đãi đạt được nhiều kết quả tích cực.
5 tổ công tác và 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các địa phương.
Chính phủ đã thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, từ 2016 – 2021 đã tiết kiệm được trên 350 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Từ đầu năm 2023, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội,...
Tuy nhiên, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập như giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40 nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa đáp ứng yêu cầu…
Về các lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng cũng cho biết đạt nhiều kết quả nổi bật.
Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400 nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội 13…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng năng lượng và giao thông còn chậm. Việc phát triển đô thị thông minh còn hạn chế; thị trường bất động sản còn khó khăn…
Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc
Về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, Phó Thủ tướng cho hay, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Thời gian qua, Chính phủ chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ đại học nhưng phải xử lý các vấn đề về đất đai; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông; di sản văn hoá tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều lễ hội truyền thống, chương trình văn hoá nghệ thuật được tổ chức thành công với hình thức đa dạng, hấp dẫn, góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.
Thời gian qua, các cơ quan đã trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm; đẩy mạnh triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…
Đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,93%. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65…
Thời gian qua, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn. Trong đó, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu...
Về các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Trần Lưu Quang cho hay, các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt.
Chính phủ đã rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; kiên quyết tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức không đáp ứng tiêu chí, điều kiện thành lập, nhất là các tổ chức bên trong các bộ, ngành, địa phương.
Cạnh đó, Chính phủ tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ; đã ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
Kế hoạch thanh tra hằng năm đã được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao; đã triển khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các lĩnh vực công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức.
“Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.