Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý tỉnh Bình Định nhiều nội dung về sức cạnh tranh, liên kết phát triển, đồng hành cùng nhà đầu tư và chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực.
Chiều 29/3, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024.
Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các địa phương, cùng hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước; các tỷ phú đến từ Thái Lan, Hàn Quốc…
Quyết liệt, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay tỉnh tập trung thực hiện vào một số nội dung đột phá lớn gồm khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng với lựa chọn giao thông “đi trước mở đường”; quyết liệt, đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính; đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch...
Đồng thời, tỉnh cũng quyết liệt, đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan; sẵn sàng các khung giá hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững.
"Bình Định cũng đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch, khu giá đất hấp dẫn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư dự án. Nhiều khu công nghiệp chỉ có mức giá thuê hạ tầng từ 25 - 60 USD/m2/50 năm, thấp hơn nhiều so với một số khu công nghiệp khác trên cả nước...", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là 2 chuyển đổi quan trọng nhất của nhân loại trong nhiều thập kỷ tới. Bình Định có lợi thế trong cả 2 chuyển đổi này.
Trong đó, lợi thế của chuyển đổi xanh là nắng và gió; lợi thế của chuyển đổi số là nghèo, vì chuyển đổi số thì không cần đầu tư nhiều nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.
“Hai điểm thuận lợi này Bình Định đều đã có. Chỉ cần còn sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Theo Bộ trưởng, Bình Định muốn đi đầu thì phải đi đầu về cái mới. Muốn đi đầu về cái mới thì phải xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và hiện đại hoá các hạ tầng hiện tại.
Một trong những hạ tầng quan trọng nhất cho cái mới chính là hạ tầng số, Bình Định phải coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất, hạ tầng số là dòng chảy dữ liệu tương ứng.
"Bình Định không xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, không hiện đại hoá, thông minh hoá các hạ tầng hiện có thì sẽ không thể tạo ra tăng trưởng nhanh và bền vững được, nhất là không thể tăng trưởng được ở những lĩnh vực mới, ví dụ như kinh tế số…”, Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh, chuyển đổi số có thể giúp Bình Định giải quyết tốt một số bài toán lớn như giảm khoảng cách thành thị và nông thôn, nhất là về y tế, giáo dục; giải được bài toán nghèo của người nông dân thông qua việc truy đưa các đặc sản của tỉnh lên môi trường số để mở rộng thị trường, tăng được giá bán; giải bài toán quan liêu của bộ máy hành chính thông qua hệ thống quản trị số dựa trên dữ liệu…
“Bình Định nên đi đầu về chuyển đổi số, vừa tạo ra động lực mới cho phát triển của tỉnh, vừa thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và chính chuyển đổi số quốc gia sẽ là thị trường lớn, cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho hay, Bình Định có những lợi thế để phát triển về nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; khu kinh tế biển - cảng biển - logistic; đa dạng hàng hoá về sản phẩm du lịch. Cùng với đó, với việc tạo một môi trường tốt nhất cho tất cả các nhà đầu tư, về cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực... thì đây là những điều kiện rất tốt để tỉnh phát triển.
Địa phương phải đồng hành cùng nhà đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, lãnh đạo và người dân tỉnh Bình Định rất khát khao phát triển và bằng chứng là những năm gần đây tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Diện mạo thay đổi từng ngày, những cơ hội đầu tư đã được khai thác rất có hiệu quả.
Để phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Bình Định một số điều. Thứ nhất, Bình Định phải chấp nhận và nghĩ đến khái niệm cạnh tranh giữa các địa phương trong khu vực. Bản chất của hội nghị xúc tiến đầu tư là cạnh tranh so với các khu vực, tỉnh thành khác.
Thứ hai, là phải tính toán sự liên kết vùng trong khai thác cơ sở hạ tầng, phân chia khác sự thu hút đầu tư. Một mặt phải cạnh tranh, một mặt phải khai thác; nếu các địa phương không giải quyết hài hòa hai bài toán này thì sẽ có sự cản trở nhất định trong sự phát triển.
Thứ ba, địa phương phải đồng hành cùng nhà đầu tư và cuối cùng là phải đầu tư cho nguồn nhân lực.
Đối với nhà đầu tư, Phó Thủ tướng chia sẻ, một nguyên tắc xuyên suốt là nếu nhà đầu tư không có lợi nhuận thì không làm; nếu Việt Nam và Bình Định không có sự phát triển thì cũng sẽ không đồng ý, không ủng hộ.
Do vậy, không chỉ chia sẻ từ chính quyền, người dân, Phó Thủ tướng cũng mong muốn nhà đầu tư chia sẻ với các khó khăn mà chính quyền, địa phương đang gặp phải và phải hết sức kiên nhẫn.
“Với tư cách là lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư, hỗ trợ địa phương, đồng hành cùng quý vị, lắng nghe kiến nghị để có giải pháp tốt nhất”, Phó Thủ tướng cam kết.
Bình Định xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của Vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên 5 trụ cột: Công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; cảng biển - logistics; đô thị hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.