Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sáng 2/7 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng, chống cơn bão số 1 với 16 tỉnh, thành phía Bắc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, dự báo trong chiều nay bão số 1 đổ bộ vào khu vực phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/h.
Đến đêm nay và sáng mai (3/7) khi tâm bão ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây, cường độ suy yếu xuống còn cấp 8, sau đó bão tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc đi sâu vào đất liền, suy yếu thành vùng áp thấp và tan trên đất liền khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Từ chiều tối và đêm nay đến ngày 3/7, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm, riêng khu vực Đông Bắc có nơi trên 200 mm. Từ ngày 4-7/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Ông Trần Hồng Thái lưu ý, lũ quét, sạt lở đất vẫn là nguy hiểm chính do mưa bão số 1 cũng như các đợt mưa lớn thời gian tới, trong đó Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh là 3 tỉnh cần đặc biệt chú ý.
"Rất khó để cảnh báo được chính xác cụ thể vị trí xảy ra sạt lở", vì vậy ông Thái kiến nghị BCĐ quốc gia về Phòng chống thiên tai chỉ đạo lực lượng xung kích ở các địa phương thường xuyên rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân lưu ý, phòng tránh.
Theo báo cáo từ BCĐ quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 6h30 sáng nay, đã hướng dẫn gần 60.000 tàu/269.462 người chủ động di chuyển phòng tránh bão.
Chiều ngày 1/7, có 2 tàu với 8 lao động của tỉnh Quảng Trị bị chìm, hiện 8 ngư dân đã được cứu vớt an toàn. BCĐ đề nghị Bộ Tư lênh bộ đội biên phòng phối hợp chính quyền địa phương xác định cụ thể nguyên nhân tàu chìm.
Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có 79.370 ha diện tích và 14.170 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
Về khách du lịch hiện có tổng số 84.467 người, lượng khách du lịch còn có thể gia tăng do là ngày nghỉ.
Hiện nay, hồ Hoà Bình đang mở 1 cửa xả đáy để đưa dần mực nước về theo quy định trong mùa lũ. Các hồ thủy điện khác khu vực Bắc Bộ, hiện mực nước ở mức cao, trong đó có 21 hồ chứa đang vận hành điều tiết qua tràn.
Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Ninh Bình hiện có 32 trọng điểm, vị trí xung yếu, các công trình đều đã đắp đến cao trình thiết kế, đang thi công các hạng mục phụ trợ, BCĐ đã có giải pháp bảo đảm an toàn.
Về số dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất: 52.794 người, các địa phương đã thông tin, cảnh báo và sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị ứng phó bão số 1 của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, dự báo chính xác, bám sát diễn biến để kịp thời cảnh báo cho các địa phương.
Ông yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1. Bộ TN&MT tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các địa phương, cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các địa phương ven biển kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các trọng điểm đê biển xung yếu hoặc đang thi công.
Các tỉnh khu vực vịnh Bắc Bộ quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến. Tăng cường tối đa, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là công an, quân đội; hạn chế thấp nhất, không để xảy ra các tai nạn đáng tiếc do thiên tai.
Đề phòng hoàn lưu bão, Phó Thủ tướng nhắc, “cần chú ý kiểm soát chặt chẽ tàu bè, nhất là tàu khách du lịch, chỉ cho hoạt động nếu đảm bảo an toàn”.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, cần chủ động rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.
“Các địa phương phải nắm chắc tình hình, có phương án sẵn sàng, bám sát dự báo”, Phó Thủ nhấn mạnh, phải bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở.
Về các hồ chứa “an toàn là hàng đầu”, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ.
Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai năm nay dự báo sẽ có nhiều diễn biến cực đoan, khó lường, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan thường trực BCĐ quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai.
“Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan thì chúng ta phải thích ứng trong hành động, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến khâu dự báo”, Phó Thủ tướng yêu cầu.