Mở đầu cuộc gặp gỡ báo chí lúc 14h59, bà Kamala Harris cảm ơn Việt Nam vì đã cho bà cơ hội trở thành Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên công du Việt Nam.⁠

{keywords}
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh:⁠

Trước hết, tôi xin cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam vì sự đón tiếp nồng hậu mà các bạn dành cho tôi. Như các bạn đã biết, tôi là Phó tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và tôi tin chuyến đi này báo hiệu một chương mới trong mối quan hệ Mỹ - Việt Nam. Chúng tôi có cam kết cho mối quan hệ này, vì nó có ý nghĩa đối với dân tộc, an ninh và sự thịnh vượng của người dân Mỹ và tin rằng người dân Việt Nam cũng vậy.

Trong thực tế, sự hợp tác giữa hai nước giữa về hàng loạt vấn đề ngày hôm nay cho thấy đường hướng phát triển của mối quan hệ. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, đã có rất nhiều điều đáng kể khi chúng ta nghĩ về những gì chúng ta đã đạt được, chúng ta đang ở đâu và chúng ta sẽ tiến đến đâu.

Hiện tại chúng ta đang tăng cường quan hệ đối tác. Cùng nhau, chúng ta sẽ giải quyết những thách thức truyền thống và cả các vấn đề của tương lai. Bên cạnh đó là những cơ hội để chúng ta tạo lập các khía cạnh mới của mối quan hệ song phương.

Trước hết, tôi biết rằng, phòng chống Covid đang vấn đề số 1 đối với Việt Nam hiện nay. Trước cuộc họp báo này, tôi đã thăm Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để trao 1 triệu liều vắc xin cho người dân Việt Nam, ngoài 5 triệu liều chúng tôi đã chia sẻ.

Chúng tôi hiện ở đây vì các bạn vào thời điểm các bạn cần. Thêm nhiều nguồn vắc xin của Mỹ đã đến Hà Nội sáng nay thông qua chương trình COVAX. Chúng tôi đang cung cấp tủ cấp đông để bảo quản vắc xin và cung cấp hàng triệu USD trợ giúp y tế công cộng. Chúng tôi đã khai trương văn phòng CDC của Đông Nam Á ở Hà Nội. Tôi hy vọng rằng người Việt Nam biết rằng chúng tôi luôn ở bên các bạn.

Khi các bạn phải chiến đấu với làn sóng lây nhiễm này, ngay ở giữa đại dịch, chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau để tăng cường các quan hệ kinh tế. Ví dụ, trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo và quan chức Việt Nam, tôi đã ủng hộ việc giảm thuế cho các mặt hàng nông sản của Mỹ, đã có phản ứng tích cực. Và chúng tôi mong chờ điều tiếp theo sau những cuộc đối thoại này.

Chúng tôi cũng xúc tiến các sáng kiến giúp Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế số nhiều hơn và sẽ giúp phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ và hay người dân tộc thiểu số quản lý như một phần trong sự hợp tác kinh tế của chúng ta. Chúng tôi cũng đã đạt thỏa thuận về tầm quan trọng của việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và hợp tác hướng tới tương lai năng lượng sạch. Trong sáng kiến hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chúng tôi đã xúc tiến chương trình bảo tồn sinh cảnh vùng duyên hải Mekong nhằm giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.⁠

Tôi hoan nghênh Việt Nam tham gia sứ mệnh đổi mới nông nghiệp vì biến đổi khí hậu, bởi vì chúng ta cần đẩy nhanh áp dụng nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu. 

Trên thực tế, tôi cũng đã có cuộc trao đổi sâu rộng với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày hôm qua về mối liên hệ này. Thủ tướng đã bày tỏ quan tâm thực sự tới việc cùng hợp tác với chúng tôi, hiểu rằng một phần của chương trình này sẽ bao gồm những gì chúng tôi có thể làm liên quan đến công nghệ vệ tinh giúp nông dân dự đoán các chu kỳ thời tiết. 

Tất cả chúng ta đều nhất trí và cách đây vài tuần Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo rằng vấn đề khí hậu đã đến mức khủng hoảng. Và chúng tôi tự hào được sát cánh cùng Việt Nam và các đối tác, đồng minh khác trên toàn cầu trong thời khắc này.

Trong suốt chuyến thăm của tôi ở đây, tôi cũng tái khẳng định cam kết rằng Mỹ phải có tầm nhìn chung của chúng ta về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác an ninh ở mức độ cao và ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập. Mỹ cũng sẽ làm việc với Việt Nam để đẩy mạnh tự do hàng hải, đảm bảo trật tự, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.

Khi chúng ta nói về việc mở ra chương tiếp theo trong mối quan hệ, chúng tôi cũng rất tự hào rằng trong chuyến đi này, chúng tôi đã có thể ký hợp đồng thuê đất 99 năm để xây dựng Đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội. Và chúng tôi tự hào rằng đây là hợp đồng thuê 99 năm, như một bằng chứng về cam kết lâu dài của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với Việt Nam.

Tương tự như vậy, cam kết của chúng tôi, như tôi đã nói ở đầu chuyến đi này là sự đánh giá cao và tự hào về vai trò của Mỹ với tư cách là một thành viên của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiểu rằng Đông Nam Á là trung tâm của khu vực này và Việt Nam cũng giữ vai trò quan trọng và ý nghĩa đặc biệt với Mỹ như Singapore, điểm dừng chân đầu tiên của tôi trong chuyến công du lần này đến khu vực.

Mỹ dự định tăng cường sự tham gia và cộng tác với các đối tác và đồng minh của mình, đồng thời tăng cường hơn nữa các lợi ích của chúng ta theo cách hợp tác ứng phó những thách thức của hiện tại và các thách thức của tương lai. Trong nhiều cuộc họp, cuộc gặp với các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, tôi đã được nhắc nhở về tiềm năng trong khu vực này lớn đến mức nào và tôi dám nói rằng tất cả chúng ta đều có tiềm năng, chúng ta có khả năng nhìn thấy những gì khả thi và sau đó có tham vọng đạt được những gì có thể liên quan đến các lợi ích chung và mục tiêu chung.

Chúng tôi biết rằng, việc chúng ta đã duy trì và củng cố những mối quan hệ đối tác này có ý nghĩa sâu sắc đối với hạnh phúc của người dân Mỹ. Và đó là lý do tại sao trong những năm tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quay lại Việt Nam để viết tiếp những trang mới trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, với sự hiểu biết, tôn trọng. Như chúng ta đã thấy và ghi nhận, chương tiếp theo này và mối quan hệ đối tác và quan hệ song phương mà chúng ta có với tinh thần đôi bên cùng có lợi. Và còn rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm cùng nhau.

Trả lời câu hỏi về chính sách cụ thể đối với Việt Nam để xây dựng và phát triển mối quan hệ Việt - Mỹ, khi Mỹ cam kết giúp đỡ một Việt Nam độc lập, thịnh vượng và mạnh mẽ, bà Harris nói: "Mối quan hệ chúng tôi đang có với Việt Nam là một mối quan hệ thực sự được xây dựng trên nền tảng sự thấu hiểu, mong muốn chung của hai bên nhằm tăng cường an ninh, kinh tế của cả hai nước, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức trong tương lai".

Phó Tổng thống Mỹ cho biết, hai bên đã có những trao đổi sâu rộng, rõ ràng về tình hình Covid-19 và cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Việt Nam đã giúp Mỹ khi gửi tặng thiết bị bảo hộ cá nhân, còn Mỹ thì đang hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam. Trong các cuộc thảo luận, hai bên còn bàn về những gì có thể làm trong tương lai.

"Tương tự, chúng tôi cũng dành rất nhiều thời gian để nói về chuỗi cung ứng, và cách thức chúng ta hiểu về mối liên hệ giữa một một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu như Covid-19 với việc sản xuất những mặt hàng thiết yếu…", bà Harris nói.

Về vấn đề Biển Đông, Phó Tổng thống khẳng định: Mỹ sẽ tiếp tục lên khẳng định cam kết về một Biển Đông rộng mở và tự do, trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế.  

Sau khi kết thúc họp báo, bà Harris sẽ rời sân bay Nội Bài để tới Honolulu, Hawaii, kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Diệu Thúy - Thanh Bình - Thanh Hảo

Quan hệ Việt - Mỹ mang cả tính toàn diện và chiến lược

Quan hệ Việt - Mỹ mang cả tính toàn diện và chiến lược

Đây là lúc cần rà lại quan hệ Việt - Mỹ, tính chuyện đặt tên quan hệ như thế nào, vì lợi ích của Việt Nam, và để xứng với tầm quan hệ hai nước.