Ngày 2/11, diễn đàn thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Cần Thơ và đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thành phố Cần Thơ tổ chức.

Sự kiện nhằm tăng cường vai trò hỗ trợ của nhà nước và thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử...

phat trien thuong mai dien tu 1 1.jpg
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu khai mạc diễn đàn. 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ, Cần Thơ mong muốn Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành có nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ những định hướng quản lý nhà nước và phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử.

Từ những hoạt động này, các doanh nghiệp địa phương có thể nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành thương mại điện tử, phát triển thương hiệu sản phẩm, chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sự hỗ trợ của các bên.

“Mục tiêu hướng đến là thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử trong liên kết vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng”, ông Nguyễn Thực Hiện cho hay.

phat trien thuong mai dien tu 2.jpg

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Chính phủ. 

Khẳng định thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử là chủ trương xuyên suốt và là một trong những định hướng trọng tâm của Đảng, Chính phủ, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho hay, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn đến năm 2025 nêu rõ các mục tiêu như hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững...

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường thương mại điện tử tại các vùng, địa phương, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Liên kết vùng trong thương mại điện tử là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước trong các vùng kinh tế để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nội vùng và liên vùng.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, để tăng cường quản lý và định hướng thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, cần tăng cường phối hợp 2 chiều giữa cơ quan nhà nước và địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động kết nối với nhau. Ngoài ra, còn cần triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển; nâng cao năng lực thực thi Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia, đồng thời kêu gọi xã hội hóa cùng sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và chuyển giao về giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế vùng.

Với lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực như nông sản, thủy hải sản, gạo, thủ công mỹ nghệ, các đại biểu dự diễn đàn đều thống nhất rằng, thị trường thương mại điện tử tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, phát triển đa dạng, phong phú và hội nhập sâu rộng với thương mại điện tử khu vực.

W-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-1-1-1.jpg
Vietnam Post đã và đang triển khai chuỗi giải pháp ứng dụng công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp thương mại điện tử, qua đó góp phần kết nối nông thôn và thành thị, kết nối các vùng kinh tế. 

Chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp đang tham gia thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng miền, địa phương qua sàn thương mại điện tử, ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển và Thương hiệu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post, đơn vị chủ quản sàn Postmart, cho biết: Vietnam Post đã và đang triển khai chuỗi giải pháp ứng dụng công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp thương mại điện tử gồm: sàn Postmart.vn, hệ thống truy xuất nguồn gốc, địa chỉ số, giải pháp thanh toán số Postpay, các ứng dụng công nghệ cho logistics… Qua đó, đảm bảo kết nối nông thôn và thành thị, kết nối các vùng kinh tế trong nội địa, và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời gian sắp tới, theo ông Phan Trọng Lê, Vietnam Post sẽ tiếp tục đưa thêm các giải pháp như hệ thống nhà kho thông minh với các thành phần đều được tự động hóa và kết nối hoạt động với nhau, từ đó tạo nên hệ sinh thái công nghệ - nơi hàng hóa được tiếp nhận, xác định, phân loại, nhận, đóng gói và vận chuyển tự động để nâng cao trải nghiệm, cung cấp những dịch vụ tiện ích cho người dùng.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với sàn thương mại điện tử uy tín trong nước, quốc tế trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương trên các sàn này trong thời gian tới.

Huyền Sâm và nhóm PV, BTV