Sau bài viết "Đừng dùng phong bì để mua chuộc sự yên tâm về sức khoẻ" diễn đàn “Phong bì bệnh viện - có phải thầy thuốc và bệnh nhân làm hư nhau?" nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả VietNamNet.
Dưới đây là bài viết của độc giả Trần Thị Hải An (quận Tân Bình, TP.HCM) gửi về diễn đàn (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).
Tôi ở TP.HCM, còn Loan, bạn tôi ở Hà Nội.
Loan có một cậu con trai 5 tuổi, bị dị tật lỗ tiểu thấp. Cô ấy là nhân viên y tế một bệnh viện lớn tại Hà Nội nên được giúp đỡ, tạo điều kiện khá nhiều để con trai được phẫu thuật.
Thế nhưng, 3 lần phẫu thuật đều không thành công. Nước tiểu chảy ra giống bị xé rách khỏi lỗ tiểu, mỗi lần đi vệ sinh con đều đau đớn. Sau mổ, con không đi tiểu được, cứ ôm bộ phận sinh dục vừa khóc vừa nhảy lên gào khóc. Loan phải ôm con vào viện cấp cứu.
Nước mắt hai mẹ con không biết bao nhiêu lần hòa cùng với nhau. Ai làm mẹ sẽ hiểu cảm giác bất lực, khổ sở khi con mình đau mà mình không gánh chịu được. Cô bạn tôi phải sống trong cảm giác đó nhiều năm.
Một người quen giới thiệu Loan vào TP.HCM, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi có bác sĩ Hùng (Trưởng khoa Ngoại Thận niệu) rất nổi tiếng trong giới chuyên môn. Loan vào viện, tạm ứng 1 triệu đồng, chờ mổ cho con và thật may mắn, ca phẫu thuật thành công.
Loan gọi điện cho chồng qua video call và cứ thi nhau khóc. Vết thương không bị chảy máu, thấm đỏ qua bông băng như lần mổ trước. Con cũng không bị đau đớn khóc lóc những ngày nằm viện. Đó là lúc Loan mở lòng tâm sự.
Loan nói, trước đây, khi phẫu thuật cho con, Loan và các bà mẹ khác tốn rất nhiều chi phí, trong đó có những khoản không thể không có. Ví dụ như, mỗi bệnh nhi phải chuẩn bị sẵn 500.000 đồng trước ca phẫu thuật, thiếu một đồng cũng không được. Tiền này không nằm trong danh mục. Chỉ đơn giản là phụ huynh truyền kinh nghiệm cho nhau, mỗi bé 500.000 đồng khi đẩy vào gây mê.
Sau phẫu thuật, con ra phòng thường nằm, sẽ được khuyến khích mua máy giảm đau. Tất nhiên không ai ép phải mua, không mua cũng không sao, nhưng nhìn con mình đau đớn (ở bộ phận sinh dục), không bố mẹ nào làm ngơ được. Lúc đó có hái sao trên trời cho con có lẽ họ cũng sẵn lòng.
Một chiếc máy rung giảm đau khoảng 3 triệu đồng nhưng hiệu quả hay không thì những người mẹ không thể biết. Rồi lại thêm chi phí như bồi dưỡng khi cắt băng, thay băng, dù chỉ 20 hay 30.000 đồng, cứ tích lũy mỗi ngày.
“Người nghèo đưa con đi mổ nhiều lắm, mấy chục ngàn cũng khó khăn. Em nhìn mà xót giùm nhưng không biết sao vì xung quanh ai cũng làm vậy”, Loan nói.
Vào đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để bám vào hy vọng cuối cùng, Loan rất xúc động. Tiền tạm ứng ban đầu 1 triệu đồng, lúc “nhét” tiền cho ê-kip gây mê 500.000 đồng, Loan bị mắng và đuổi ra ngoài. Khi đó, Loan sợ mình làm gì sai khiến y bác sĩ phật lòng không nhận bồi dưỡng. Nhưng không, con trai Loan vẫn được phẫu thuật, chăm sóc như hơn 20 đứa trẻ khác trong phòng bệnh.
Mỗi ngày, Loan và các bà mẹ đi lãnh cơm từ thiện ở phòng Công tác xã hội, bớt được một khoản chi phí (dù vị cơm Bắc – Nam khác nhau, Loan ăn không quen nhưng giống như một sự an ủi). Ngày Loan ra sân bay Tân Sơn Nhất đưa con trai về quê, tôi gọi điện thoại hỏi tình hình.
“Em còn được bệnh viện trả lại một hai trăm ngàn gì đó chị ạ, viện phí thấp quá. Em sốc lắm, sốc vì nhiều điều, từ viện phí đến tiền phong bì, đến việc chăm sóc của điều dưỡng. Em biết ơn bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 nhiều”, Loan khóc.
Thực ra mà nói, tiền phong bì cho bác sĩ, tiền bồi dưỡng cô điều dưỡng là liều thuốc tâm lý cho người nhà. Tôi sinh con tại 1 bệnh viện ở TP.HCM, mọi thứ không có gì chê trách dù đó là bệnh viện quận. Khi mẹ tôi đưa bé đi tắm, mẹ hỏi có cần đưa tiền cho hộ sinh không, tôi nói “không, mọi thứ bệnh viện sẽ tính vào phí dịch vụ”.
Năm phút sau, mẹ tôi chạy vào lấy 50.000 đồng. Mẹ nói, xung quanh ai cũng bỏ tiền ở đó sẵn. “Mình có lòng thì họ nhẹ tay với cháu mình”. Tôi gay gắt không đồng ý vì cho rằng mẹ đang làm hư nhân viên y tế, họ sẽ xem đó là thói quen.
“Mấy cô đó đâu bắt mẹ phải cho tiền nhưng lúc mình đưa họ cũng không nói gì. Có mấy đồng…”, mẹ tôi nói.
Đúng, chỉ có mấy đồng, nhưng tích lũy dần hành động “chỉ mấy đồng” ấy sẽ trở thành luật bất thành văn. Dần dần, nó có thể thành chuyện của Loan kể cho tôi nghe. “Mỗi bệnh nhân đẩy vào gây mê phải kẹp 500.000 đồng. Có trường hợp mình xin giảm giùm vì bệnh nhân nghèo quá, mà bác sĩ không chịu”, Loan buồn bã nói.
Câu chuyện phong bì, tiền bồi dưỡng cho bác sĩ tưởng như rất cũ của 20 năm trước, nhưng nó vẫn len lỏi ở viện này viện kia. Như với Loan, ở bệnh viện cô làm việc, chuyện phong bì không lạ. Còn khi trở thành người bệnh, chuyện không phong bì lại khiến cô ngỡ ngàng và ấm áp.
Trần Thị Hải An, 30 tuổi, TP.HCM
Ban Sức khoẻ - Báo VietNamNet mở diễn đàn "Phong bì bệnh viện - có phải thầy thuốc và bệnh nhân làm hư nhau?".
Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bansuckhoe@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.
Xin chân thành cảm ơn.
Chuyện bác sĩ “vòi vĩnh” phong bì tôi từng nghe nhưng tôi tin đó chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh'. Niềm tin của tôi bắt đầu bằng lần mẹ tôi phải nhập viện…
Khám vết thương mưng mủ bốc mùi của bố tôi, bác sĩ nói vùng tổn thương bị hoại tử phải cắt lọc, nhưng chỗ hoại tử là vùng "ít thịt nhiều xương", sẽ lâu hồi phục. Nghe lời này, đâu đó sẽ có người nghĩ 'hay bác sĩ làm khó, muốn gợi ý gì chăng?'.
Khi đưa được chiếc phong bì đến tay bác sĩ, dù cuộc phẫu thuật của em tôi chưa diễn ra nhưng gia đình tôi cũng đã thở phào, nhẹ nhõm phần nào...