Nhiều vấn đề liên quan đến phòng, chống mua bán người đã được đề cập tại hội thảo khoa học cùng tên diễn ra tại Hà Nội sáng 27/9 do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Luật pháp chưa tương thích
Một trong những vấn đề được các đại biểu thảo luận nhiều nhất là sự không tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, cũng như sự thiếu liên thông giữa các bộ luật, nghị định về phòng, chống buôn bán người.
PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương - nêu: “Cái khó nhất khi chúng tôi làm bộ luật Hình sự là chọn cái tên tội gì, vì tiếng Việt không có từ tương ứng. Tiếng Việt chỉ có 2 từ buôn bán và mua bán. Buôn bán hay mua bán thì phải dính đến tiền. Ở Việt Nam, hành vi nào nhằm lấy tiền, nhận tiền mới là tội. Quốc tế thì không cần như thế”.
Vấn đề thứ hai mà ông Độ đặt ra là: nguyên tắc không xử lý nạn nhân. Nhưng ở Việt Nam lại làm khác. “Ví dụ như người nghiện ma túy sẽ bị xử tội tàng trữ, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma tuý. Tất nhiên, họ nghiện thì họ phải có ma tuý trong người, phải đi mua chứ”.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Vân - cán bộ chương trình Asean-Act (phòng chống buôn bán người tại Việt Nam) cho biết, Công ước Asean về phòng chống mua bán người cũng khuyến nghị không xử phạt hành chính và hình sự với những hành vi vi phạm pháp luật mà nạn nhân phải thực hiện trong tình trạng là nạn nhân. Việt Nam chưa luật hoá nguyên tắc này nên một số nạn nhân chưa được xác định có thể vẫn bị xử lý hành chính.
Một vấn đề khác, theo luật của Việt Nam, hành vi vận chuyển, tuyển mộ, có chuyển giao và tiếp nhận mới bị xử lý về hành vi mua bán người, còn nếu không có hành vi chuyển giao, tiếp nhận thì không bị xử lý. “Tôi tự tuyển mộ anh vào bóc lột thì sẽ không bị xử là mua bán người”.
Trao đổi về các hình thức lừa đảo buôn bán người, bà Vân cho biết, hiện nay còn xuất hiện hình thức làm giấy chứng sinh giả để đăng ký giấy khai sinh thật cho trẻ em. Khi thủ phạm có giấy khai sinh thật rồi thì rất khó để xác định các trường hợp trẻ em bị mua bán.
Ngoài ra, với tình trạng đưa người sang Campuchia, Philippines…, có thể phân làm 2 loại: một là nạn nhân thật - bị lừa, ép buộc phải đi lừa đảo người khác; hai là những người xuất cảnh tự nguyện, tự nguyện dụ dỗ người khác sang khi có thu nhập. Bà Vân cũng cho biết, các nạn nhân ở Campuchia có thể dễ dàng xác định là nạn nhân buôn bán người. Nhưng ở Philippines lại rất khác, bởi vì nạn nhân không bị đánh đập, chỉ bị nhốt và khi được giải cứu, nhiều nạn nhân tự nguyện ở lại. Vì thế, việc chứng minh họ là nạn nhân rất khó.
Hỗ trợ nạn nhân hoà nhập: Cần tôn trọng và thận trọng
Trình bày tham luận về kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân buôn bán người từ dự án của tổ chức Hagar, PGS.TS. Nguyễn Thị Như Trang (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý vấn đề nạn nhân bị kỳ thị khi hoà nhập cộng đồng. Một trưởng thôn 44 tuổi đã chia sẻ với nghiên cứu viên rằng: “Khi họ (nạn nhân) trở về cộng đồng như vậy (được giải cứu về), mọi người trong cộng đồng sẽ không tin họ nữa. Mọi người không bao giờ tin những người như vậy. Kể cả họ có là người tốt, nhưng sau khi (họ đã bỏ cộng đồng đi) như vậy thì mọi người cho rằng sự trở về của họ sẽ có tác động tiêu cực lên các thành viên khác”.
Bà Trang chia sẻ, sự kỳ thị đôi khi xuất hiện vì chính những người trong cộng đồng chưa hiểu hết hoặc chưa biết cách hỗ trợ nạn nhân. “Ví dụ như trong lời động viên nạn nhân của một trưởng thôn khi nghe anh kể lại, chúng tôi cũng nhận thấy có sự kỳ thị ở trong đó. Tuy nhiên, việc anh ấy mạnh dạn đứng ra giúp nạn nhân hoà nhập cộng đồng đã là một điều tốt rồi”.
“Có nạn nhân khi đang chia sẻ cho chúng tôi đã bật khóc. Chúng tôi không hiểu tại sao. Sau đó, cô ấy mới giải thích rằng cô chưa bao giờ được mọi người lắng nghe và động viên như cách mà chúng tôi đang làm”.
Bà Trang cho biết, việc hỗ trợ nạn nhân không chỉ nên dừng lại ở những cung cấp thiết thực cho cuộc sống hàng ngày để họ có thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, mà còn nên giúp nạn nhân cảm thấy họ được quan tâm và được tôn trọng, từ đó thúc đẩy sự tự tin và quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ.
Bên cạnh những chia sẻ về cách thức hỗ trợ nạn nhân hiệu quả, PGS.TS. Nguyễn Thị Như Trang cũng nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, việc cung cấp hỗ trợ cũng có hàm ý của sự tuyên bố về trạng thái nạn nhân mua bán người - điều mà các nạn nhân và gia đình của họ có thể không muốn thừa nhận, bao gồm cả cán bộ chính quyền và người dân - không phải ai cũng ủng hộ việc hỗ trợ nạn nhân. Chính vì thế, việc hỗ trợ cũng cần được triển khai thận trọng và cân nhắc tới các chiều cạnh văn hoá và tâm lý cộng đồng.
Bên trong 'sào huyệt' của những kẻ buôn người ở Campuchia
Hành trình thoát khỏi bọn buôn người của cô gái 18 tuổi
Lưu Huệ (Trung Quốc), 18 tuổi, vừa thi đỗ đại học. Như các bạn cùng lớp, muốn có một kỳ nghỉ xả hơi, cô đã xin với bố mẹ cho mình lên tỉnh đi chơi vài ngày.