{keywords}
Các Sở TT&TT được đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT để hạn chế tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Cung cấp  DVCTT là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.

DVCTT cần được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính toàn diện.

Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh cung cấp  DVCTT mức 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách. Việc người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng DVCTT mức 4 sẽ giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, góp phần vào công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh.

Theo thông báo 28 được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 17/2, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào chiều ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thúc đẩy làm việc trên môi trường mạng và hoạt động trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, hôm nay, ngày 19/2, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT đã tiếp tục có văn bản đôn đốc các Sở TT&TT tỉnh, thành phố đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 4 tại địa phương.

Cụ thể, Cục Tin học hóa đề nghị các Sở TT&TT tỉnh, thành phố kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp để cung cấp hầu hết các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trước tháng 6/2021.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các DVCTT nhằm hạn chế tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Các Sở TT&TT cũng được đề nghị đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện các DVCTT.

Trong thời gian qua, thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 và các văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai cung cấp DVCTT mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 vẫn còn hạn chế. Tính đến nay, đã có 37 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT mức 4 đạt 30%, nhưng vẫn còn 26 địa phương có tỷ lệ DVCTT mức độ 4 được cung cấp dưới 30%. 

Tại chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2021, với lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT xác định trong năm nay sẽ tiếp tục chú trọng cải thiện xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, sớm hoàn thiện việc xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Bên cạnh đó, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết yếu đối với người dân; ứng dụng công nghệ số để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Vân Anh

Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm khoảng 6.490 tỷ đồng mỗi năm

Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm khoảng 6.490 tỷ đồng mỗi năm

Theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.