Phòng trọ như lò hơi

11h30, bà Huỳnh Thị Hoa (72 tuổi) ra ngồi trước phòng trọ dựng tạm bằng tôn, ván cũ dưới chân cầu sắt Hiệp Ân 2 (quận 8, TP.HCM). Dưới mái tôn gỉ sét, căn phòng của bà nóng hầm hập như lò hơi dù được cất trên mép sông.

W-tranh-nong-1-1.jpg
Bà Huỳnh Thị Hoa (72 tuổi) ngồi trước phòng trọ, tránh cái nóng hầm hập từ mái tôn. Ảnh: Ngọc Lài

Hơi nóng chiếm trọn phòng trọ nên bà có bật quạt số mạnh nhất cũng không thấy mát. Nhiệt độ cao khiến bà mệt mỏi, khó thở. Sau khi lấy khăn nhúng nước lau mặt, cổ, bà ra trước cửa phòng ngồi.

Bà hy vọng gió trời lùa vào con hẻm sẽ khiến không gian bớt ngột ngạt và thoải mái hơn.

Đối diện phòng trọ của bà Hoa là phòng của người phụ nữ bán cá khoảng 40 tuổi. Phòng trọ của chị sạch sẽ, được lót gạch men trông mát mắt.

Tuy vậy, sức nóng từ mái tôn phơi dưới nắng trời 40 độ C vẫn khiến khị không thể ở nghỉ ngơi bên trong. Chị khiêng chiếc giường sắt cũ 2 tầng ra kê sát vào một bên đường - lối dẫn vào các phòng trọ khác làm chỗ nghỉ trưa.

W-nang-nong-5.jpg
Khu trọ dưới chân cầu sắt, nơi bà Hoa ở trọ phơi mình dưới nắng trời chói chang. Ảnh: Ngọc Lài.

Người phụ nữ cho biết, mặc dù chiếc giường có lấn ra lối đi lại một chút nhưng những người xung quanh không cảm thấy khó chịu. Bởi, họ đã sống chung với nhau nhiều năm nên quen biết, thân thiết như bà con lối xóm. 

Đôi lúc, nếu chị không ngủ trưa, mọi người thường đến ngồi chung giường, trò chuyện với chị như một cách hóng mát. 

Tuy nhiên, con hẻm hướng thẳng ra đường dân sinh bụi mù. Dưới ánh nắng chói chang, bụi đất bốc lên hoa mắt người nhìn. Mỗi khi trời có gió, hơi nóng hắt lên từ mặt đường theo đó lùa vào hẻm khiến chị rát mặt.

Để chống chọi với cái nóng khó chịu, chị dùng tấm vải mỏng quây chiếc giường lại. Bên trong, chị bật quạt điện với hy vọng có thể hạ mức nhiệt độ cao xuống ngưỡng có thể chịu đựng.

W-nang-nong-2.jpg
Để hạn chế sức nóng của ánh nắng mặt trời, người thuê trọ dùng vải bạt, dù... phủ tạm lên mái nhà. Ảnh: Hà Nguyễn.

Những người dân trong xóm trọ nghèo dưới cây cầu sắt này đều sinh sống trong những căn phòng trọ ọp ẹp, chật hẹp được dựng tạm bằng tôn, gỗ cũ. Thế nên khi trời bắt đầu nắng, ai nấy đều chuẩn bị những phương án đối phó.

Nhiều người chọn cách lau phòng bằng nước mát, mở cửa sổ ở phía sông để gió lùa vào cho thông thoáng. Một số khác lại ra ngoài cửa, hai bên hẻm ngồi, nằm nghỉ…

Những thanh niên trẻ hơn thì chọn cách rời khỏi phòng trọ ra bờ sông ngồi hóng mát dưới tán cây xanh. Họ ở trần, đặt nhiều ly nhựa lớn chứa nước đá xung quanh để làm mát cơ thể.

W-nang-nong-3.jpg
Nắng nóng vẫn khiến phòng trọ ngột ngạt, người dân phải ra lối đi lại giữa các phòng ngồi hóng gió. Ảnh: Hà Nguyễn.

Cách đó không xa, dù có nhà riêng, ông Phan Văn Giàu (71 tuổi) và ông Huỳnh Văn Hưng (60 tuổi) cùng ngụ quận 8, TP.HCM, vẫn ra ngồi trước bờ kè để tránh nóng. Cái nóng như lò hơi bên trong căn nhà nhỏ khiến ông Giàu không ăn nổi cơm. 

Giờ trưa, ông chỉ có thể ăn cháo, uống nước lạnh. Nắng nóng khiến ông khó chịu đến mức nghĩ đến chuyện sẽ đối phó bằng cách vào siêu thị đọc báo, lên xe buýt có máy lạnh đi lòng vòng thành phố… đến khi trời dịu nắng mới về nhà.

Ông nói: “Nóng quá nhưng không có tiền lắp máy lạnh nên tôi đành ra ngoài bờ kè ngồi. Ngồi chán, tôi lại đi lòng vòng dưới tán cây xanh. Dưới tán cây, gió trời thoáng mát hơn trong nhà.

W-nang-nong-7.jpg
Trong khi đó, người phụ nữ làm nghề bán cá đem chiếc giường sắt có phủ lớp vải mỏng ra kê ở một bên đường luồng giữa các phòng trọ làm nơi nghỉ trưa. Ảnh: Hà Nguyễn.

Tôi từng nghĩ đến việc tránh nóng bằng cách vào siêu thị ngồi đọc sách báo hoặc bắt xe buýt có trang bị máy lạnh để đi lòng vòng thành phố. 

Nếu bắt chuyến đi xa như xuống đến TP.Thủ Đức, tôi có thể tranh thủ chợp mắt. Thậm chí, có lúc chúng tôi kêu người giao đá chở đến vài cây đá lạnh để xung quanh cho không gian mát hơn”.

Muôn cách đối phó

Trở về nhà giữa giờ trưa nắng gắt, bà Trần Thị Ngọc Bích (49 tuổi) mệt mỏi cởi bỏ chiếc nón vải cùng 2 lớp khẩu trang dày cộm. Lưng ướt đẫm mồ hôi, bà bật quạt làm mát cơ thể. Áo khô mồ hôi, bà mới bật bếp gas nấu bữa trưa.

Sống một mình trong căn phòng trọ 4 phía quây bằng tôn cũ, vừa rời khỏi quạt, lưng áo bà lại đổ mồ hôi ướt sũng. Khi biết thời tiết TP.HCM nắng nóng kéo dài, nhiệt độ vượt ngưỡng 30-40 độ C, bà Bích tìm mọi cách chống nóng.

W-nang-nong-1.jpg
Nắng nóng vượt mức chịu đựng, nam thanh niên bỏ phòng trọ ra nằm trên chiếc giường tự chế dưới gốc cây bàng râm mát. Ảnh: Hà Nguyễn.

Bà biến gác lửng thành lớp cách nhiệt bằng cách phủ lên trên nhiều giấy báo, bìa các-tông cũ. Bà cố gắng tạo khe hở trên bức tường bằng tôn đối diện cầu thang dẫn lên gác lửng để làm nơi thông gió. 

Trước đây, bà vẫn ngủ trên chiếc nệm đặt dưới nền nhà. Tuy nhiên, những ngày qua, bà cất tấm nệm để ngủ luôn dưới nền gạch. Bà chia sẻ: “Dẫu vậy, tôi cũng không thể ngủ ngay như lúc thời tiết chưa nắng nóng.

Ngày nắng nóng, mái tôn, tường tôn hút nhiệt chưa kịp xả ra nên đến tối trong phòng vẫn rất ngột ngạt. Tôi thường phải mở cửa phòng rồi ra ngoài hiên ngồi trò chuyện với mọi người, đợi phòng bớt nóng mới vào ngủ”.

Cùng cảnh ngộ, bà Lý Thị Hằng (SN 1978, thuê trọ tại Xóm Củi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng phải ra ngoài hiên nhà trọ ngồi tránh nóng. Căn phòng trọ của bà nằm trong dãy trọ vừa xây nhưng cũng được lợp bằng tôn mỏng nên hấp thu nhiệt rất nhanh.

W-tranh-nong-6-1.jpg
Tại dãy trọ chật hẹp, có mái lợp bằng tôn tại Xóm Củi, nhiều người cũng rời khỏi phòng, ra ngồi, nằm ở nơi có bóng mát cây xanh. Ảnh: Hà Nguyễn.

Mặc dù vợ chồng bà đã tự bỏ tiền mua tấm xốp bạc cách nhiệt để ốp lên mái nhà cho bớt nóng nhưng không mấy hiệu quả. Vào giờ trưa, nhiệt độ trong phòng trọ vẫn khiến bà ngột ngạt, người thấm đẫm mồ hôi.

Không chịu nổi, bà đành cùng người hàng xóm ra trước nhà ngồi hóng gió, trò chuyện. Chờ khi trời nắng dịu, phòng bớt ngột ngạt, bà mới vào nghỉ ngơi. Đối với bà Hằng, đây là cách chống nắng nóng khả dĩ nhất lúc này. 

Bà không dám mơ đến việc gắn máy lạnh bởi “chi phí tiền điện có khi xấp xỉ tiền phòng”. Bà tâm sự: “Bây giờ, có cho tôi máy lạnh, tôi cũng không dám lắp vì nắng nóng như thế chắc chắn sẽ hao điện lắm. Có khi lắp máy lạnh xong chi phí tiền điện gần bằng tiền phòng.

Chỉ thương cho mấy đứa con nít. Nắng nóng quá, trưa chúng ngủ không được nên mệt mỏi trông thấy. Đã thế, nhiều đứa vì trời nóng, phòng hầm bí mà nổi rôm sảy khắp người”.

W-tranh-nong-4-1.jpg
Bà Bích áo ướt đẫm mồ hôi khi trở về phòng trọ được lợp bằng tôn cũ vào giờ nắng gắt. Ảnh: Hà Nguyễn.

Cách đó không xa, ông Lê Minh Hoàng (67 tuổi) cũng rời phòng trọ, ra bờ kênh hóng gió. Ông Hoàng vừa đi thu mua ve chai trở về. Hôm nay, ông không thu mua được nhiều bìa các-tông cũ nên không gia cố lại lớp cách nhiệt tự chế trên trần phòng trọ.

Những ngày qua, ông liên tục xin, thu gom các loại thùng xốp, các tông để cắt ra làm tấm cách nhiệt, gắn lên trần phòng trọ. Ông hy vọng bằng cách này có thể giảm sức nóng phả xuống từ mái nhà bằng tôn thấp gần như đụng đầu người.

Ông chia sẻ: “Nóng quá, hầu như ban ngày tôi đều ra bờ kênh, ngồi, nằm dưới gốc cây. Đêm, tôi dùng khăn ướt lau, thậm chí chườm nước đá lên nền gạch cho mát rồi mới ngủ. Dẫu vậy, đến khuya không khí trong phòng mới đỡ ngột ngạt, hầm bí hơn”.

Ngoài dân lao động nghèo phải thuê trọ, những người có nhà riêng cũng tìm mọi cách hạ nhiệt không gian sống. Vào giờ nắng nóng lên đỉnh điểm, nhiều người dùng nước sạch tưới lên mái hiên, trước sân nhà để làm mát không gian xung quanh.

Nắng nóng cũng khiến giới văn phòng gặp nhiều khó khăn. Để tránh cái nắng gay gắt vượt ngưỡng 37-38 độ C, nhiều người buộc phải đi làm sớm và về muộn hơn thường ngày. 

Việc trời nắng gắt với chỉ số tia cực tím cao cũng khiến giới văn phòng buộc phải thay đổi một số thói quen sinh hoạt. Nhiều người thay vì ra hàng quán ăn trưa như thường lệ buộc phải chọn cách nấu cơm mang lên cơ quan hoặc đặt món ăn về nơi làm việc. 

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (37 tuổi) nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM cho biết: “Những ngày qua, mỗi khi đẩy cửa văn phòng có máy điều hòa bước ra ngoài, tôi có cảm giác như mình vừa đặt chân đến hoang mạc nắng nóng cháy da.

Để tránh nóng, tôi đành phải ăn cơm hộp hoặc đặt món tại những quán ăn đắt đỏ quanh trụ sở làm việc. Dẫu vậy, một số ngày trong tuần tôi vẫn phải đội nắng như đổ lửa lúc giữa trưa để đến trường đón con tan học.

Mỗi khi ra đường, tôi phải mặc áo khoác, đội nón rộng vành dưới nón bảo hiểm và đeo khẩu trang kín mặt”.