Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa đẩy Chollima-1 gặp thất bại vì động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định. Nhà chức trách đang nỗ lực xác minh các khiếm khuyết "nghiêm trọng" khiến tên lửa gặp trục trặc.
KCNA cho biết thêm, Bình Nhưỡng quyết tâm sẽ sớm thực hiện một vụ phóng khác.
Theo báo Guardian, đây là nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của Triều Tiên và là vụ phóng đầu tiên kiểu này kể từ năm 2016. Kể từ năm 1998, Bình Nhưỡng đã phóng 5 vệ tinh, với 3 trong số đó thất bại ngay lập tức. Hai vệ tinh còn lại dường như đã được đưa lên quỹ đạo, nhưng các tín hiệu từ chúng chưa bao giờ được phát hiện một cách độc lập, ám chỉ cả 2 có thể đã bị hỏng.
Bình Nhưỡng hôm 30/5 tuyên bố, khi được đưa lên quỹ đạo, vệ tinh do thám mới của họ sẽ làm nhiệm vụ “theo dõi, giám sát và ứng phó trước các hành động quân sự nguy hiểm của Mỹ và các nước đồng minh theo thời gian thực”.
Cùng ngày, nhà chức trách Triều Tiên cũng xác nhận ý định phóng “vệ tinh do thám quân sự số 1” này trước ngày 11/6 và đã thông báo cho phía Nhật Bản về kế hoạch. Tuy nhiên, cả Tokyo và Seoul đều cực lực phản đối động thái, với lí do nó sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, vốn cấm Bình Nhưỡng thực hiện bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phát đi báo động yêu cầu người dân sẵn sàng đi sơ tán hoặc xuống hầm trú ẩn sau khi phát hiện Triều Tiên phóng một tên lửa từ vùng Dongchang-ri lúc khoảng 6h30 sáng nay (31/5) giờ địa phương. Tuy nhiên, nhà chức trách 2 nước đã rút cảnh báo sau khi xác định vụ phóng không thành công.
>> Đọc tin thời sự thế giới trên VietNamNet