Hẹn và gặp Nick Út - tác giả bức ảnh “Em bé Napalm” - tại quán cà phê ở Hà Nội, trong một buổi chiều tháng Ba nắng vàng nhẹ nhàng. Ông Út ngoài đời giản dị, nói bằng giọng miền Nam cũng nhẹ nhàng và dễ nghe.
Ông có trí nhớ tốt, những kỷ niệm được ông kể đầy ắp những chi tiết cụ thể, kể cả những chi tiết nhỏ. Kỷ niệm đã xa theo thời gian vẫn được ông nhắc đến như mới xảy ra hôm qua. Chiến tranh Việt Nam qua lời kể của ông, thật khắc nghiệt, hầu như chỉ có chết chóc và tàn phá.
Mình bị thương 3 lần.
Mình bị thương lần đầu tiên là ở bên Campuchia. Năm 1970, lúc quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiến qua Campuchia trong Chiến dịch vượt biên Cao Miên tấn công vào miền Đông Campuchia nhằm truy quét các lực lượng của bộ đội giải phóng đang đóng trong đất Campuchia, mình bị thương vào bụng và đùi.
Lúc này, hai bên bắn nhau dữ lắm. Khi bị thương, một anh phóng viên Time magazine gọi điện về văn phòng AP tại Sài Gòn báo cho ông Horst Faas là sếp mình, ông ấy hét lên “Tao có cho mày đi đâu, mà mày đi để rồi bị thương…”. Nhưng lúc đấy mình còn trẻ, tính khí thanh niên mà.
Rồi mình được trực thăng chở vô bệnh viện Tây Ninh gần mặt trận. Mình được một cô Mỹ tóc vàng mắt xanh là y tá bác sĩ chi đó, bắt cởi đồ. Mình mắc cỡ gần chết mà cô đó vẫn nói mình cởi đồ đi. Rồi bả lấy cái kẹp để gắp miếng đạn ra, đau ghê lắm.
Bả nói này ăn nhằm gì, có một miếng à, có nhìn lính Mỹ xung quanh không, họ bị tùm lum, rồi bả cười...
Mình bị thương và rất may là mảnh đạn phạm vào phần mềm không đi vào chỗ hiểm. Đến mùa đông, nó đau. Nhưng nhiều nhiếp ảnh gia chiến trường khác còn bị thương nặng hơn hoặc thậm chí thiệt mạng.
Mình bị thương lần thứ hai là vào thời điểm tháng 7/1972. Chụp bức hình Kim Phúc bị bom Napalm vào ngày 8/6/1972 thì khoảng 1 tháng sau mình về lại làng của cô Kim Phúc.
Chỗ quốc lộ ngay cạnh làng Kim Phúc bị bắn phá mỗi ngày, vì đây là đường di chuyển của bộ đội giải phóng từ Campuchia qua Việt Nam, từ Quốc lộ 1 đến Quốc lộ 13, là mắt xích lên Sài gòn.
Nghe tin đánh nhau, mình trở lại, mới chạy vô kiếm xem làng của Kim Phúc còn ai nữa không. Khi mình vừa bước lên cái thềm chùa thì nghe cái đùng. Khi đó chưa biết đau, nhưng máy hình bị rung lắc và quần áo mình lủng lỗ hết cả.
Rồi lúc đấy chỗ vết thương bắt đầu biết đau. Một anh lính của Sư đoàn 55 Việt Nam Cộng hòa cầm tay lôi mình vô cái chùa, may quá nếu mình không đi vô là mình chết luôn vì quả pháo thứ hai nổ đúng chỗ mình vừa đứng. Mình được đưa vô trong cách mấy phút thôi. Có ông nói đáng mày chết rồi, số mày số lớn.
Vết thương thứ ba mình bị, thì lại ở Campuchia, khoảng năm 1973. Bị vào nách khi mình đang ngồi, nhẹ thôi, nhưng mảnh đạn bay qua làm tóc dựng lên. Mình suýt bị mất đầu. Mấy ông lính chạy đến đè mình xuống.
Người bạn vong niên của mình, ông Henri Huet, nhiếp ảnh gia giỏi nhất của Văn phòng AP tại Sài Gòn. Henri Huet chính là người đã đặt biệt danh “Nick” để thành Nick Út, sau khi những người khác trong văn phòng gặp khó khăn trong việc phát âm họ tên Huỳnh Công Út của mình.
Ông Henri Huet có cha là người Pháp và mẹ là người Việt Nam, ông cùng gia đình chuyển từ Đà Lạt sang Pháp khi mới 5 tuổi. Ngày 10/2/1971, nước Lào đang có những trận chiến dữ dội. Ông Henri nói với mình rằng ông muốn đi nghỉ ở Hồng Kông (Trung Quốc). Ông hỏi liệu ông có thể lên chiếc trực thăng sắp bay ra khỏi Lào không.
Vì ông ấy là một người bạn rất tốt nên mình nhường chỗ đã đăng ký cho ông, rồi mình đáp chuyến bay sau từ Lào về Sài Gòn. Việc đầu tiên mình làm khi đến văn phòng là kiểm tra xem còn nhiệm vụ nào nữa không và gặp sếp Horst Faas, Giám đốc hình ảnh của hãng AP tại Sài Gòn.
Ông Horst hỏi mình có gặp Henri không, mình trả lời Henri đã ngồi thế chỗ của mình trên chuyến trực thăng trước. Ông Horst nói với mình một cách nghiêm trang rằng chiếc trực thăng đó đã bị pháo kích và bị bắn hạ, mọi người trên trực thăng đã chết.
Vậy là, ông Henri thế chỗ của mình và đã chết thay mình. Lúc đó, ông Henri mới 43 tuổi. Trên chiếc trực thăng định mệnh đó, còn các nhiếp ảnh gia khác, là Larry Burrows của tạp chí Life , Kent Potter của UPI và Keizaburo Shimamoto của Newsweek.
Nguyễn Quốc (ghi)