Khi tiền trường lớp dần dịu đi, thì không ít phụ huynh lại xoay ra lo… giấy báo, sách vụn chuẩn bị cho con đóng kế hoạch nhỏ.

Sau khi cô giáo thông báo chuẩn bị 2 kg báo để đóng kế hoạch nhỏ cho cậu con trai mới vào lớp 1, chị Lan Anh khá bức xúc nhận xét “Đây là việc làm quá hình thức”.

Theo chị Lan Anh, vô lý nhất là việc trường muốn học sinh làm kế hoạch nhỏ nhưng lại dặn phụ huynh. Về hỏi con, con ngơ ngơ bảo cô nói nộp báo nhưng cũng không biết tại sao lại nộp. Nhưng oái oăm nhất là trường con chị yêu cầu chỉ nộp báo cũ.

{keywords}
Cho học sinh làm phong trào Kế hoạch nhỏ một cách thực chất là mong muốn của nhiều phụ huynh (Ảnh chỉ  mang tính chất minh họa) 

“Lấy báo đâu ra mà nộp? Bây giờ chúng tôi toàn xem tin tức trên mạng, có mua tờ báo nào về nhà đâu. Hàng xóm cũng thế thôi, nhà ai cũng có trẻ con và cùng hiếm khi mua báo giấy, thì lấy đâu ra mà xin.

Bây giờ nói chỉ lấy báo thì toàn là bố mẹ làm hộ. Cuối cùng ngay cả bản thân trẻ cũng không hiểu làm thế để làm gì”.

Chị Thu Hòa vừa lo gần chục cân sách vở cũ cho 3 đứa con đóng kế hoạch nhỏ thì than thở: “Sau vài năm mấy đứa con đi học, thì nhà tôi để một ngăn tủ các loại giấy tờ, sách vở cũ chuyên để chờ đóng kế hoạch nhỏ.

Trước đây con học trường công, đóng đủ loại giấy báo tạp chí. Từ hai năm nay con chuyển sang trường dân lập, trường yêu cầu là sách vở cũ. Chúng nó cũng có nghe thủng đâu, hình như cô bảo là ủng hộ bạn nghèo, nên yêu cầu như vậy”.

Con trai học tới lớp 5, và đã ngần đấy năm, mỗi năm 2 lần chị Hà Phương lo chuẩn bị báo cũ cho con đi nộp kế hoạch nhỏ. làm ở một cơ quan truyền thông, nên việc thu gom cho đủ số lượng nộp với chị Phương không quá khó. Tuy nhiên, chị cũng nhận định “Tôi thấy việc thực hiện kế hoạch nhỏ hiện nay các trường đang làm một cách hình thức, chứ không tốt đẹp như mục đích ban đầu.

Trước đây đi học, tôi cũng phải nộp kế hoạch nhỏ nhưng không bị quy định là nộp bao nhiêu. Dù vậy, chúng tôi cũng rất có ý thức tìm kiếm hết sức có thể để đem nộp, dù ít dù nhiều cũng vẫn vui vì công sức mình bỏ ra. Còn bây giờ như giao khoán, cô giao khoán cho phụ huynh, các con giao khoán cho bố mẹ”.

Ở một góc độ khác, có phụ huynh lại coi việc nộp kế hoạch nhỏ của con như một cuộc… chạy đua. “Năm ngoái lớp con mình co phụ huynh vác cả bao tải giấy báo to tướng đến nộp. Phụ huynh vênh vang con thì sung sướng với chúng bạn, mất hết cả ý nghĩa của phong trào” – anh Hải Phong, có con học tại một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm kể lại.

Hình thức quá thì nên bỏ

Chị Hòa thừa nhận nếu làm đúng, thì việc làm kế hoạch nhỏ cho con không tốn kém về kinh tế, không mất thời gian, không mấy công sức. Sau vài năm trầy trật gom đồ cho con đi đóng, từ hai năm nay chị Hòa giao hẹn con tự thu dọn sách vở cũ sau mỗi năm học, để dành năm sau đóng. Chỉ khi nào thật thiếu chị mới hỗ trợ. “Cũng là để rèn cho con thói quen cất dọn đồ gọn gàng khi không dùng tới nữa”.

Một việc khiến chị Hòa cảm thấy “bực nhất” là các trường khuyến khích trẻ đóng nhiều, nhưng khâu thu nhận kém. Lần đầu con phải đóng kế hoạch nhỏ, bố mẹ… phấn khởi, kiếm hẳn cho con 5 kg giấy báo. Kết quả là bố mẹ phải vác lên mấy tầng, lên tận lớp cho con vì con nhỏ quá không thể tự mang được. Năm sau thì thôi luôn, cô bảo đóng bao nhiêu chỉ đóng đúng bấy nhiêu.

“Lẽ ra nhà trường nên tổ chức thu nhận tập trung ở sân trường. Một việc đơn giản thế mà bao nhiêu năm rồi trường không làm được. Thực ra, trường nên tổ chức cho học sinh tự thực hiện. Học sinh lớp 5 có thể làm được việc này. Để cho các em một buổi coi như sinh hoạt ngoại khóa, các em nhận giấy bạn đóng góp, cân và ghi chép lại theo từng lớp và cân rồi cho nó chuyển đi trao tặng chẳng hạn. thế thì mới đủ ý nghĩa. Đây chẳng biết xe tải đến chở cả đống đi ra cửa hàng giấy vụn nào” – chị Hòa góp ý.

Nhưng theo nhiều phụ huynh khác, có những cách khác thực tế hơn để rèn cho học sinh tính tiết kiệm, bảo vệ môi trường. “Tôi thấy thay vì nộp giấy báo rồi không biết giấy vụn sẽ đi đâu về đâu, thì thay vào đó là phong trào thiết thực hơn như nuôi heo đất, tặng sách vở cho học sinh vùng khó khăn, tặng quần áo cũ... Đằng nào cũng là bố mẹ lo giấy báo thì bảo chúng tôi đóng tiền còn hơn, việc gì phải mua bán lòng vòng như vậy” – anh Hải Phong góp ý.

Tuy nhiên, chị Lan Anh lại không ủng hộ ý tưởng góp sách vở cũ để đi ủng hộ.

“Bản chất của vấn đề là gì? Có phải làm kế hoạch nhỏ là giúp bé biết tiết kiệm không? Nếu nộp vở và sách giáo khoa cũ thì đấy là việc làm từ thiện chứ không phải dạy cho bé biết tiết kiệm.

Vì nếu thật sự thì nên bảo phụ huynh nhắc các con tích cóp giấy vụ trong nhà, để cho bé có ý thức tiết kiệm chứ không chỉ lấy mỗi mấy cân báo. Nhà trường nên thông báo ngay từ đầu năm học, gom được bao nhiêu đóng bấy nhiêu và không áp đặt chỉ tiêu. Mà tích được giấy gì thì các cô cũng đều phải chấp nhận, từ mẩu giấy vụn bé tí trở đi”.

Chị T.H, một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng cũng tự nhận xét rằng phong trào kế hoạch nhỏ bây giờ quá hình thức, nhưng nhà trường giao thì vẫn phải thông báo tới phụ huynh. “Tôi cũng có con nhỏ, cũng biết rằng đi kiếm vài cân sách báo cũ cho con đi nộp cũng chỉ là chuyện đối phó. Nhưng lớp mình nộp không đủ thì giáo viên chủ nhiệm cũng bị ảnh hưởng, nên mình cứ phải thúc giục phụ huynh. Tôi nghĩ rằng với cách làm như hiện nay, đặc biệt ở các trường thành phố, thì không nên duy trì nữa”.  

Phong trào kế hoạch nhỏ là một phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (cũ) và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa TNTP tại Hải Phòng.

Phong trào mở rộng phong trào trên toàn miền Bắc và cả nước sau khi thống nhất đất nước. Các hoạt động chủ yếu là thu hồi giấy, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm... đã góp phần cho ra đời "Đoàn tàu lửa mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh", xây dựng "Khách sạn khăn quàng đỏ" ở Thủ đô Hà Nội, Xây dựng tượng đài và khu di tích kỉ niệm Kim Đồng, xây dựng tượng đài và nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động Đội...

Ngân Anh