Để điều khiển những chú ngựa to lớn, học viên nhí sẽ bắt đầu với việc làm quen tạo thiện cảm bằng cách cho ngựa ăn hoặc vuốt ve chúng. Độ khó của kỹ thuật cưỡi ngựa sẽ tăng dần qua các buổi học, khi các bạn nhỏ đã giữ được thăng bằng. Động tác đầu tiên sẽ là cưỡi ngựa đi bộ, đi vòng tròn hay vượt qua các chướng ngại vật. Sau đó là chạy đường dài, phi nước kiệu, điều khiển ngựa leo dốc,…
“Việc học cưỡi ngựa giúp em rèn luyện tính kiên trì, chinh phục thử thách hơn. Khi mọi người nhìn thì có thể thấy phi nước kiệu khá dễ nhưng thực chất rất khó, cơ thể mình phải nhún nhảy theo nhịp chạy của chú ngựa. Em đã luyện tập rất lâu để làm được điều đó. Cưỡi ngựa giúp em thấy vui vẻ, thoải mái hơn sau những giờ học”, Đặng Ngọc Bảo Anh (15 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Nguyễn Thành Nam (Hà Nội) - một phụ huynh cho con đến luyện tập môn thể thao này bày tỏ: “Trước khi tham dự khóa học, bạn nhà mình rất rụt rè. Nhưng dần được làm quen với những chú ngựa thấy bé linh hoạt, mạnh dạn hơn, ngoài ra còn giúp con rèn luyện sức khỏe”.
Việc tiếp xúc những chú ngựa không chỉ giúp các học viên nhí cưỡi được ngựa, quan trọng hơn là hình thành tình yêu dành cho loài vật, thiên nhiên đối với trẻ em. Do vậy, vào mỗi buổi học, các em được tự tay chăm sóc chú ngựa của mình, vuốt ve trước đưa chúng khi ra sân.
Để phục vụ cho việc học cưỡi ngựa cũng như kết hợp ăn ý với các bạn nhỏ, những chú ngựa được huấn luyện một cách kỹ càng, học cách giữ bình tĩnh tốt.
Cô Nguyễn Thị Hòa Hợp – giảng viên dạy cưới ngựa (CLB ngựa Hà Nội) cho biết, những năm gần đây việc học cưỡi ngựa còn được coi là một biện pháp điều trị hữu hiệu đối với trẻ tự kỷ.
“Việc thao tác trên lưng ngựa giúp các em tăng sự tự tin, tìm được niềm vui, cải thiện khả năng tập trung hơn. Tuy nhiên đối với các bạn mắc hội chứng tự kỷ, giáo viên phải kiên nhẫn và theo dõi sát sao hơn để hỗ trợ các em làm chủ được chú ngựa”, cô Hợp nói.
Một buổi học cưỡi ngựa thường kéo dài khoảng 45 phút với chi phí hơn 500.000 đồng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn sẵn sàng chi trả để các em nhỏ có thêm những trải nghiệm đặc biệt với môn học “quý tộc”này.
Ngọc Linh