LỜI TÒA SOẠN

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Để thực hiện quốc sách này, phải thực hiện xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là một trong những khoản được phép thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vậy nhưng, “đến hẹn lại lên”, câu chuyện xã hội hóa giáo dục tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Nhiều hiệu trưởng chia sẻ với VietNamNet, thời gian qua, hàng loạt trường trên cả nước bị phản ánh về các khoản thu, nhiều hiệu trưởng bị cách chức, kỷ luật. Hình ảnh người thầy bị bàn tán trên mạng xã hội khiến họ rất áp lực và trở nên rụt rè, thận trọng trong việc kêu gọi phụ huynh đóng góp xã hội hóa…

VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài Vận động xã hội hóa trường học - nỗi khổ chưa kể của hiệu trưởng, mời độc giả đón đọc.

Buổi họp phụ huynh 'sóng gió'

Xung quanh khoản thu tiền xã hội hóa trong trường học, nhiều hiệu trưởng ở Hà Tĩnh thừa nhận, họ sợ kêu gọi phụ huynh đóng nộp. Nguyên do là vì nhạy cảm, họ sợ làm chưa đúng nguyên tắc trong các văn bản, công văn và sợ nhất là phụ huynh thông tin chưa khách quan lên mạng xã hội, đám đông đã vội kết luận hiệu trưởng lạm thu- bỏ túi.

img 3871.jpg
Giáo viên không mong chuyện thu tiền, tài chính ảnh hướng đến danh dự của nghề giáo. Ảnh: CTV

Cô T. (hiệu trưởng trường tiểu học ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ, không ít phụ huynh không ủng hộ chủ trương vận động xã hội hóa nên việc vận động rất khó khăn. Có những cuộc họp phụ huynh diễn ra vô cùng căng thẳng.

Nữ hiệu trưởng kể điển hình là cuộc họp năm học 2019-2020, thời điểm Hà Tĩnh triển khai công văn mới về vận động tài trợ trong cơ sở giáo dục. Ban giám hiệu trường đã nghiên cứu kỹ về công văn, chuẩn bị tốt cho buổi họp này.

Cuộc họp phụ huynh vừa mới bắt đầu, một nam phụ huynh vào trường, xưng danh là luật sư yêu cầu tham dự. Phụ huynh này mang theo nhiều tài liệu gồm các văn bản về quy định các khoản thu, phát cho các phụ huynh, nói nhà trường vận động đóng nộp sai quy định.

Không dừng lại ở đó, phụ huynh này còn phát trực tiếp cuộc họp lên facebook. Nam phụ huynh bám vào một số thông tư, tuyên tuyền học sinh trường công lập không phải đóng tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nên phụ huynh tuyệt đối không đóng nộp khoản này.

Livestream thu hút lượng lớn lượt xem, tương tác. Sự việc diễn ra bất ngờ, khiến các giáo viên rơi vào thế bị động. Cũng vì vậy, cuộc họp diễn ra căng thẳng, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Theo nữ hiệu trưởng, vị phụ huynh được đà nên đã gặp trực tiếp bà, chất vấn và cấm trường không được phép thu tiền xã hội hóa để làm cơ sở vật chất.

“Tôi giải thích cặn kẽ các thông tư, công văn trong vận động xã hội hóa. Trường đề ra chủ trương thu tiền của phụ huynh theo đúng quy trình. Việc thu này phục vụ trực tiếp cho học sinh, phụ huynh là người giám sát, công khai, minh bạch và đúng tính thần tự nguyện.

Sau cuộc đối thoại ‘hợp tình hợp lý’, người này cũng như rất nhiều phụ huynh khác cuối cùng cũng mới chịu đồng ý với chủ trương của trường”, bà T. chia sẻ.

“Sao lương thấp mà các cô ở nhà tầng, đi dạy bằng ô tô?”

Nhiều hiệu trưởng tâm sự, theo đuổi nghề giáo, họ chỉ mong muốn được chuyên tâm vào chuyên môn. Thế nhưng, nghề hiệu trưởng hiện gắn với áp lực tài chính, thu chi. Nỗi lo thu chi tài chính diễn ra từ đầu đến cuối năm học.

"Vận động thu tiền của phụ huynh vì mục đích phục vụ cho học sinh. Chúng tôi mong phụ huynh có cái nhìn khách quan và bớt cách nhìn tiêu cực về nghề giáo", một hiệu trưởng chia sẻ.

Bà H. (hiệu trưởng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho biết, năm học 2023-2024, trường cần thiết phải làm một số hạng mục, mua sắm nên có kế hoạch vận động từ phụ huynh 200 triệu đồng, dự tính thu mỗi học sinh 200.000 đồng.

Hiệu trưởng cùng hội phụ huynh đang thảo luận ở văn phòng bất ngờ một phụ huynh xông vào phòng, chỉ tay vào mặt hiệu trưởng và buông những lời nói khiếm nhã.

“Các cô chỉ việc dạy học, không phải kinh doanh, kiếm chác từ học sinh. Năm nào cũng lấy lý do để thu tiền phụ huynh, thu tiền có làm, có mua sắm cho học sinh hay là cô bỏ túi riêng? Giáo viên kêu lương thấp sao các cô ở nhà tầng, đi dạy bằng ô tô?”, bà H. uất nghẹn, bật khóc kể lại.

a3-1adfafasfa-1.jpg
Một buổi họp phụ huynh. Ảnh minh họa: CTV

Bà H. cho biết thêm, nhiều hiệu trưởng khác cũng bị phụ huynh hoài nghi, bàn tán là lạm quyền để thu, bỏ túi dù thu – chi có sự giám sát của cơ quan chức năng, hội phụ huynh.

"Nghề hiệu trưởng hiện không chỉ cần sự đồng hành của phụ huynh mà còn cần thấu hiểu, chia sẻ. Không ai mong nghề mình vì chuyện tiền nong, thu chi mà bị phụ huynh có cái nhìn sai lệch", bà H. nói.

Chia sẻ với VietNamNet, một lãnh đạo phòng giáo dục ở Hà Tĩnh cho rằng, một số nguyên tắc trong các thông tư, công văn hướng dẫn vận động tài trợ xã hội hóa khiến cho các hiệu trưởng rơi vào thế bị động. Nếu hiệu trưởng có chuyên môn tài chính không vững sẽ dẫn tới sai sót, trở thành đề tài bàn tán của nhiều người, làm mất hình ảnh của người thầy.

"Cái khó của người đứng đầu nhà trường là kinh phí Nhà nước hiện chưa đáp ứng đủ trong khi trường phải đảm bảo được các hoạt động cốt yếu, nguồn phí như vệ sinh trường lớp, phí bảo vệ, điện nước... đến tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học.

Vì vậy, họ mong được đáp ứng đủ về vật chất để không phải lo chuyện thu tiền từ phụ huynh và học sinh, trở về đúng nghĩa là người thầy - tập trung chuyên môn, truyền thụ kiến thức cho học trò", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Đậu Tình