The hãng tin Reuters, ngày càng nhiều phụ nữ Afghanistan có chuyên môn và học thức đã đăng ký các khóa học làm y tá và hộ sinh, bởi họ đã chán cảnh bị nhốt trong nhà kể từ khi Taliban lên nắm quyền cách đây 2 năm và cấm phụ nữ đi làm. Một nguyên nhân khác là họ cần tiền để phụ giúp gia đình.
Sau một thập kỷ giảng dạy tại một trường đại học ở Afghanistan, cựu chuyên gia kinh tế Shabana Sediqian (36 tuổi) chuẩn bị đi học lại để trở thành y tá. Cô cho biết, điều dưỡng gần như là công việc duy nhất dành cho những phụ nữ đang bị “quản thúc tại gia”.
“Đây là cách duy nhất mà tôi có thể giúp đỡ tài chính cho gia đình, giúp bản thân kiếm được việc làm, và ra khỏi nhà trong vài giờ. Mỗi ngày là một cuộc đấu tranh về tài chính và tình cảm”, cô Sediqian, người từng kiếm được 400 USD/tháng cho hay. Bà mẹ 3 con hy vọng có thể kiếm được khoảng 150 USD/tháng khi làm y tá, và mong sẽ tiết kiệm được tiền để gửi con gái đi du học.
Nilab Azizi (30 tuổi), một bà mẹ 3 con từng làm việc cho một dự án viện trợ quốc tế, cũng sẽ bắt đầu khóa học làm điều dưỡng trong vòng 3 năm vào tháng 9. “Tôi đã cố gắng suốt hơn một năm để được quay lại làm việc, nhưng chính quyền Taliban đã đóng mọi cánh cửa trước mặt phụ nữ. Ở nhà và không làm gì giống như chết dần chết mòn”, cô Azizi tâm sự.
Taliban cấm các bé gái đi học. Phụ nữ bị cấm làm hầu hết các công việc, kể cả làm việc cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng đối với ngành y tế.
Tổ chức Thomson Reuters Foundation đã nói chuyện với 10 y tá và thực tập sinh ở Afghanistan. Họ cho biết bản thân đã chuyển nghề sang làm y tá, hoặc có bạn bè và đồng nghiệp đã làm như vậy.
Ông Khaled Ferdous, CEO của một viện y tế tư nhân ở phía bắc thành phố Mazar-i-Sharif có liên kết với Bộ Y tế Afghanistan, cho biết số lượng sinh viên điều dưỡng và hộ sinh trong các khóa học đào tạo đã tăng hơn gấp đôi kể từ giữa năm 2021.
Theo ông, gần 90% học viên có học vấn ban đầu không liên quan tới ngành điều dưỡng. Họ từng là công chức, giáo viên, nhà báo, và sinh viên chưa tốt nghiệp đại học.
Thiếu trang thiết bị y tế
Cuộc khủng hoảng kinh tế và việc quốc tế rút viện trợ sau khi Taliban lên nắm quyền đã khiến ngành y tế Afghanistan đối mặt với nhiều gánh nặng.
Theo dữ liệu chính thức, Afghanistan có khoảng 4.400 cơ sở y tế. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn trống các dịch vụ y tế cơ bản, nhất là ở vùng nông thôn. Nhiều chuyên gia y tế đã rời khỏi Afghanistan khiến đội ngũ có trình độ chuyên môn bị thiếu hụt. Trong khi đó, số lượng người cần điều trị lại không ngừng tăng do đói nghèo dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.
Theo các cơ quan viện trợ, ngay cả khi các nữ nhân viên y tế Afghanistan đi làm, họ cũng phải đối mặt với không ít thách thức như bị tra hỏi tại các chốt kiểm soát về trang phục, công việc... Một số phụ nữ đã bị đuổi khỏi nơi làm việc vì không có người đi cùng.
Ông Filipe Ribeiro, đại diện của tổ chức Medecins Sans Frontieres (MSF) tại Afghanistan, cho hay các nữ sinh viên y khoa sắp ra trường bị cấm tham gia kỳ thi cuối kỳ vào thời điểm Taliban tiếp quản chính quyền. Các nữ bác sĩ cũng bị cấm theo học các lớp bồi dưỡng chuyên sâu.
Theo ông Ribeiro, lệnh cấm giáo dục bậc trung học đối với các nữ sinh khiến các trường đào tạo y tá và hộ sinh sớm không còn học viên. Điều này sẽ dẫn tới "thảm họa" đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Bởi Afghanistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cao nhất thế giới, cứ 2 giờ lại có một phụ nữ tử vong khi đang mang thai, hoặc sinh con.