Ở tuổi 64, bà Trương Thị Hậu, người dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Văn Non, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, không chỉ là một trưởng thôn gương mẫu mà còn là một tấm gương tiêu biểu trong việc áp dụng công nghệ hiện đại để phát triển kinh tế. Từ việc kinh doanh giống cây nông nghiệp theo cách truyền thống, bà đã mạnh dạn chuyển hướng sang thương mại điện tử, livestream bán hàng trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, mang lại hiệu quả kinh tế vượt bậc.
Trước đây, gia đình bà Hậu kinh doanh giống cây trồng theo cách truyền thống. Tuy nhiên, do sống ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận khách hàng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao. Nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử, bà đã mạnh dạn thử nghiệm bán hàng qua mạng từ năm 2021. Được con cháu hướng dẫn, bà nhanh chóng làm quen với việc livestream, một hình thức bán hàng hiện đại nhưng rất phù hợp để tiếp cận đông đảo khách hàng ở xa.
Bà Hậu chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây bán giống cây không hiệu quả, nhưng sau khi thấy các nơi bán hàng trên mạng đạt kết quả tốt, tôi quyết định thử. Livestream giúp khách hàng ở xa có thể nhìn thấy sản phẩm trực tiếp và dễ dàng mua ủng hộ. Ban đầu nhờ các cháu chỉ cách, nhưng giờ tôi có thể tự làm một cách dễ dàng”.
Bắt đầu với quy mô 20 vạn giống cây, sau 3 năm livestream, bà Hậu đã nâng số lượng giống cây bán ra lên tới 1.000 vạn. Việc livestream đều đặn 2 lần mỗi ngày – một phiên ban ngày và một phiên buổi tối – giúp bà không chỉ bán hàng mà còn kết nối, tương tác với khách hàng. Mỗi ngày, bà có thể chốt hàng chục đơn, cung cấp giống cây bạch đàn mô DH-3229 đến nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Theo bà Hậu, livestream không chỉ giúp bán hàng mà còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt và chăm sóc cây giống. Chính sự tận tình và chất lượng sản phẩm đã giúp bà xây dựng uy tín, tạo được lượng khách hàng ổn định và mở rộng thị trường.
Ông Triệu Văn Phúc, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Văn Non, xã Lục Sơn chia sẻ: "Cách bà Hậu livestream bán cây rất hiệu quả, tiếp cận được khách hàng ở nhiều nơi. Đây là phương thức bán hàng hiện đại, tôi hy vọng bà con học tập bà Hậu để phát triển kinh tế."
Không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh thành công, bà Hậu còn tạo công ăn việc làm cho từ 5-10 công nhân mỗi ngày, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số trong làng. Nhờ công việc linh hoạt về thời gian, nhiều chị em phụ nữ đã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Bà Hậu chia sẻ: "Tôi mong muốn chị em phụ nữ dân tộc luôn có tư tưởng phấn đấu làm giàu, biết tận dụng công nghệ như livestream để bán hàng và phát triển sinh kế."
Nhờ sự nhạy bén và tinh thần học hỏi, bà Hậu không chỉ cải thiện đời sống kinh tế gia đình mà còn góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế thôn Văn Non. Từ những khoản thu nhập ổn định qua livestream, gia đình bà đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm xe cộ và các tiện nghi hiện đại.
Ở tuổi lục tuần, việc bà Hậu làm chủ công nghệ và nhờ đó, thành công trong kinh doanh, không chỉ là minh chứng cho sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến đồng bào dân tộc thiểu số. Không để tuổi tác hay hoàn cảnh địa lý trở thành rào cản, bà luôn tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển bản thân và cộng đồng. Việc bà sử dụng livestream để bán hàng không chỉ mở ra hướng đi mới cho bản thân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại địa phương.
Không dừng lại ở việc kinh doanh, bà còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động bà con hiến đất làm đường, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nhờ những đóng góp ý nghĩa, bà Hậu đã được chọn là đại diện tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lục Nam, tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang năm 2024. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ của bà.