Trong Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất và Tuần Du lịch văn hóa Lai Châu năm 2023 diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua, nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tái hiện lại trong không gian lễ hội. Trong đó, vai trò của người phụ nữ trong việc lưu giữ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc được thể hiện rõ nét.
Lễ hội có sự tham gia của 14 dân tộc ít người thuộc 11 tỉnh thành khác nhau trong cả nước tạo nên bức tranh đa sắc màu. Ngày hội cũng là nơi phụ nữ dân tộc ít người tôn vinh nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Chị Vàng Thị Păn (bản Hon, Tam Đường, Lai Châu) là người dân tộc Lự. Chị tự hào khi mang đến không gian văn hóa các dân tộc thiểu số bộ trang phục của đồng bào Lự bao gồm khăn đội đầu, áo choàng xẻ ngực và phần váy với các đường nét thêu thùa sinh động.
Chị Păn chia sẻ, trang phục của dân tộc Lự được mặc vào các dịp Tết, lễ hội, ngày cúng rừng, cúng bản, liên hoan bản. Toàn bộ quá trình làm ra bộ trang phục truyền thống này đều là thủ công từ tách bông, bật bông, se sợi, dệt vải bằng khung cửi truyền thống.
Người phụ nữ dân tộc Lự đã nắm giữ, lưu truyền kỹ thuật dệt vải, thêu thùa... Những họa tiết hoa văn, đường kim mũi chỉ đều là dấu ấn của bao thế hệ dân tộc Lự.
Nghề dệt và trang phục truyền thống là niềm tự hào của phụ nữ dân tộc Lự nên chị Păn mong muốn lan tỏa tới du khách gần xa.
Bà Hù Cố Xuân (dân tộc Si La, ở Mường Tè, Lai Châu) tự hào giới thiệu về văn hóa dân tộc mình tới du khách. Dân tộc Si La là 1 trong 5 dân tộc thiểu số ít người sinh sống ở Lai Châu và Điện Biên. Qua không gian văn hóa bà Xuân cũng tìm hiểu được các nét văn hóa của các dân tộc khác.
Bà Xuân cũng là một già làng uy tín tại địa phương, đóng góp rất lớn vào công tác bảo tồn, lưu giữ các nét văn hóa của đồng bào mình.
Từ nhiều năm nay, bà Xuân thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào dân tộc Si La giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bà cho rằng dân tộc Si La có chưa tới 1.000 người nên việc lưu giữ giá trị văn hóa càng quan trọng.
Bà luôn vận động chị em phụ nữ giáo dục, dạy tiếng nói cho con em mình, giữ gìn các văn hóa dân tộc như lễ cưới, lễ cơm mới, tạ ơn trời đất, lễ cấm bản.
Bà Xuân cũng giúp thế hệ trẻ tham gia đội văn nghệ ôn lại điệu múa, dân ca cổ của dân tộc để thế hệ trẻ hiểu được vai trò của mình trong giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Si La.
Tại ngày hội văn hóa lần này, chị Làn Thị Sân (dân tộc Pà Thẻn, ở Lâm Bình, Tuyên Quang) cùng các đồng bào của dân tộc mình đã mang tới các bộ trang phục mang đậm nét văn hóa dân tộc cùng với ẩm thực của người Pà Thẻn.
Người phụ nữ Pà Thẻn nổi tiếng về kỹ năng thêu thùa, dệt thổ cẩm. Các sản phẩm tinh tế này được rất nhiều khách du lịch yêu thích.
Trong không gian văn hóa tại lễ hội của người dân tộc Brâu (Kon Tum), đồng bào mang đến các nét văn hóa độc đáo, hệ thống nhạc cụ với âm sắc Tây Nguyên.
Trang phục của phụ nữ Brâu nhẹ nhàng kết hợp với trang sức bằng vàng, bạc. Trong gia đình người phụ nữ cũng đảm nhiệm công việc may vá trang phục, dạy tiếng dân tộc cho con em để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Những năm qua, công tác lưu giữ bảo tồn nét văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, các địa phương quan tâm thực hiện với nhiều chương trình dự án, trong đó có Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Trong dự án này, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể, kỹ năng dệt thổ cẩm, ẩm thực và tham gia các đội văn nghệ văn hóa dân tộc gắn với du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế.