Gần đây, đọc trên quý báo về chuyện dạy con chọn chồng, tôi thấy hầu hết các ý kiến đều nói 10 điều dạy con của anh Nguyễn Đức Quang là quá cực đoan. Tuy nhiên, tôi lại hoàn toàn đồng tình với anh Quang.
Tôi có một đứa cháu rất ngoan, lễ phép và chăm chỉ. Cháu mới lấy chồng được 4 năm. Gần đây về thăm nhà, cháu bật khóc kể ra một tràng những mâu thuẫn với gia đình chồng và kết luận rằng, bố mẹ chồng không hề thương con dâu. Cháu cũng đã hiểu ra, vì sao người ta lại nói, chuyện mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn là chuyện muôn thủa.
Cháu kể, trước khi lấy chồng, cháu luôn nghĩ rằng, chỉ cần mình sống thật tốt, thật ngoan ngoãn và đối xử với bố mẹ chồng như bố mẹ mình thì họ cũng sẽ yêu thương con dâu như chính con ruột của mình. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Những bất công mà cháu phải chịu trong thời gian sống ở nhà chồng khiến cháu kết luận rằng mình thật xui xẻo khi rơi vào một gia đình như vậy.
Tôi thì cho rằng, không phải nhà chồng của cháu không tốt mà vì cháu đã kỳ vọng quá nhiều vào mối quan hệ nhà chồng - nàng dâu.
Các cụ xưa vẫn có câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Dù thế nào đi chăng nữa, con dâu, con rể cũng không phải máu rủ ruột già với nhà chồng, nhà vợ. Vì vậy, việc đòi hỏi bố mẹ chồng đối xử công bằng và yêu thương mình như tình cảm mà họ dành cho con ruột là không nên và không bao giờ có (hoặc rất hiếm có).
Có thể, một số con dâu con rể hiện thấy mình được đối xử chẳng khác nào con ruột của bố mẹ chồng/vợ. Nhưng đấy là khi cuộc sống của họ đang bình yên, không chung đụng, không nhờ cậy… Chứ khi có biến cố, họ sẽ hiểu “ruột thịt bao giờ cũng hơn”.
Anh Quang có lẽ là một người có nhiều trải nghiệm hoặc quan sát thực tế nhiều nên mới đúc rút ra 10 điều dạy con như vậy. Tôi hoàn toàn đồng tình với anh Quang.
Ngày xưa, khi lấy chồng, phụ nữ đều được dạy “một điều nhịn là chín điều lành” nên dù có khổ cực, bị đối xử tệ bạc đến mức nào, họ cũng cố gắng nhịn để giữ gia đình yên ấm, vẹn tròn. Nhưng cuộc sống chỉ có nhẫn nhịn thì không còn gì là hạnh phúc.
Ngày nay, mọi người đều quan tâm đến cảm xúc của mình, nhiều người đặt cảm xúc của mình lên trên hết. Vì vậy, cần xác định bản chất của một mối quan hệ để biết điều gì nên và không nên làm. Từ đó sẽ biết cách ứng xử hoặc bớt kỳ vọng thì sẽ bớt thất vọng.
Con gái lấy chồng chứ không lấy cả nhà chồng nên không cần thiết phải yêu cả nhà chồng. Bố mẹ chồng cũng cần xác định rằng, mình không đẻ ra, không nuôi dưỡng con dâu nên không có quyền đòi hỏi con dâu phải yêu thương, báo hiếu mình.
Khi con gái tôi lấy chồng cách đây 10 năm, tôi dặn con không cần lấy lòng bố mẹ chồng, anh chị em nhà chồng nhưng phải cư xử với nhà chồng một cách có văn hóa. Quan trọng hơn, hãy lắng nghe trái tim mình và nhìn vào người đàn ông của mình để biết nên ứng xử với nhà chồng như thế nào cho đúng.
Giữa vợ với chồng cũng cần xác định, anh ta chỉ là bạn đời - một người đồng hành cùng mình trong một cuộc hành trình. Quan hệ giữa vợ với chồng là quan hệ bình đẳng nên anh ta không thể ép vợ làm những điều mà người phụ nữ không thích.
Độc giả Bích Ngọc (TPHCM)
Ban biên tập mời độc giả gửi chia sẻ của mình về chủ đề này qua email: bandoisong@vietnamnet.vn. |