Xuất hiện trong tập 1 chương trình Phụ nữ là để yêu thương mùa 8 là chị Trần Thị Ngân với câu chuyện con mê game và sự bất lực của người làm mẹ.
Chị Ngân (44 tuổi) đến từ Bắc Ninh kể, chuyện xảy ra vào một ngày cả gia đình về thăm ông bà ngoại. Mọi người mải nói chuyện và tự nhiên phát hiện không thấy cậu con trai lớn đâu. Tất cả đều hoảng loạn đi tìm. Sau 2 tiếng, con tự về nhà. Hỏi đi đâu thì con nói ngồi ở quán game gần nhà bà ngoại. Lúc đó, chị Ngân rất sốc.
“Sau ngày hôm đó, tôi hoàn toàn không còn tin tưởng vào con mình nữa. Tôi kiểm soát con nhiều hơn, luôn theo dõi con. Kể cả khi con nói mình đi chơi thể thao sau giờ học, tôi cũng không tin”, chị chia sẻ.
Khi MC Hoàng Anh Tú hỏi tại sao chị ghét game như vậy, chị Ngân cho biết những băn khoăn của mình. Chị cho rằng, quán game có nhiều thành phần phức tạp và để vào quán game, con cần có tiền. Nhưng tiền ở đâu để con chơi, đó mới là vấn đề. Rất có thể vì muốn có tiền, con sẽ có những hành động sai phạm. Chị suy nghĩ rất nhiều và liên tục chì chiết, mắng chửi con.
Thời điểm đó, hai vợ chồng chị đều thất vọng về con. Chỉ cần nhìn thấy con chơi, chị lập tức la hét, mắng, đánh con. Chồng chị cũng chung cảnh ngộ. Anh cho rằng đánh mắng con là phản ứng quá tiêu cực, nhưng chính anh cũng bất lực vì không còn phương pháp nào để giúp con vượt qua giai đoạn này. Hành động đó vừa làm khổ mình, vừa làm khổ con cái. Mắng xong, anh còn cảm thấy đau hơn.
Mỗi ngày đi làm, chị Ngân đều đau đáu với những câu hỏi con ở đâu, làm gì, có đi chơi game không. Những suy nghĩ này liên tục dày vò chị, khiến sức khỏe của chị bị ảnh hưởng.
Thật may, sau đó, con đã có thay đổi khi bắt đầu cởi mở, chia sẻ với bố mẹ rằng một tuần mình chơi bao nhiêu lần và hứa sẽ chỉ dừng lại như vậy. Con cũng dành thời gian học, cũng đỗ vào cấp 3. Hiện tại, chị đang lo lắng vì con đang học đại học, đi ở trọ, rời khỏi vòng tay và sự kiểm soát của cha mẹ.
Tại chương trình, con của chị Ngân cũng có cơ hội chia sẻ cảm xúc của mình qua màn hình: “Con cảm thấy sợ mẹ, chỉ muốn né tránh lúc gặp mẹ. Những lúc mẹ đánh, con chỉ mong bố sẽ ngăn cản, muốn bố mẹ không làm vậy với mình nữa, muốn bố mẹ tha cho mình. Con mong bố mẹ không chỉ trích mình quá, để con thay đổi từ từ những điểm xấu. Nếu bố mẹ làm quá căng thẳng, nói nặng, đánh đập sẽ khiến con tổn thương, có tâm lý sợ hãi, khép kín, không còn muốn chia sẻ với bố mẹ nữa”.
Cậu bé cũng cho biết, vì mẹ hay mắng, đánh nên cậu và em thân với bố hơn. Dù vậy, cậu vẫn luôn biết ơn mẹ, vì mẹ đã mang lại cho mình và em cuộc sống như ngày hôm nay.
Những lời chia sẻ của con trai khiến chị Ngân bật khóc. Chị thừa nhận mình đã làm con bị tổn thương nhưng tất cả cũng chỉ mong con trở thành người tốt nhất.
Chị hối hận và cho rằng nếu thời điểm đó mình bình tĩnh hơn thì đã không để bản thân rơi vào tình trạng như vậy. Chị cũng cảm ơn con trai vì đã nói ra nỗi lòng để khiến người làm mẹ nhận ra mình có thể thay đổi từ ngày hôm nay.
Chuyên gia NLP quốc tế và tư vấn trị liệu Nguyễn Thị Lanh đặt câu hỏi với chị Ngân: “Đã bao giờ bạn hỏi, vì sao con lại mê game, con có điều gì muốn nói, có điều gì con không được thể hiện dẫn tới việc con mê game không?”.
Câu hỏi đó nhằm chỉ ra rằng, con chơi game chỉ là cái ta nhìn thấy, còn căn nguyên của vấn đề đó nằm ở đâu. Khi tìm hiểu được căn nguyên, chúng ta mới có cách giải quyết, giúp con và mẹ vượt qua khó khăn.
Theo chuyên gia, nhiều đứa trẻ sống trong môi trường không được ghi nhận, không được thể hiện mình, không được đưa ra quyết định hay thể hiện cảm xúc thực, hoặc sống trong môi trường cha mẹ rạn nứt, sẽ luôn cảm thấy cô đơn.
Vì vậy con luôn muốn tìm đến thứ gì đó giúp bản thân mình có cảm giác chiến thắng, không bị bỏ rơi. Và game là một trong những hình thức đó.
Nguyên nhân chơi game của con có thể do đã bị tổn thương từ cách hành xử của cha mẹ. Chị Ngân cũng nhận ra, trong một thời gian quá dài, chị để con sống tự do, không được quan tâm, không ghi nhận thành tích của con, để con không được chia sẻ những điều con mong muốn.
Chuyên gia chia sẻ việc bố mẹ không tin tưởng con sẽ truyền năng lượng xấu cho con, khiến con cũng không tin tưởng bản thân mình, mất niềm tin vào cuộc đời, ảnh hưởng đến tương lai. Cha mẹ đánh con sẽ khiến con không còn yêu chính mình nữa. Một người khi không yêu chính bản thân sẽ gây ra rất nhiều vấn đề trong cuộc đời.
Sau lời tư vấn của chuyên gia, chị Ngân nhận ra mình đã sai lầm trong cách hành xử. Chị hy vọng sau buổi chia sẻ, bản thân sẽ mang lại cho con những điều tuyệt vời hơn, có một gia đình hạnh phúc, luôn nhận được sự đồng cảm của chồng và con.
Chương trình Phụ nữ là để yêu thương phát sóng trên VTV2 có thông điệp "Bạn được quyền hạnh phúc", giúp những người phụ nữ bình thường vượt qua biến cố trong cuộc sống. Mỗi nhân vật đều có những vấn đề mắc kẹt trong cuộc sống, trở thành sẹo hoặc nỗi đau hiện hữu khiến họ luôn bất an và không có hạnh phúc. Các chuyên gia trong chương trình giúp người phụ nữ trải lòng, từ đó đưa ra các giải pháp giúp họ vượt qua vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, vui vẻ và lạc quan hơn. |