Huyện Mù Cang Chải có nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người dân tộc Mông chiếm hơn 90% dân số. Người Mông có tập quán định cư ở những vùng núi cao từ 800 – 1500m với nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Vì vậy, ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những vạt ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín thì du lịch văn hóa Mù Cang Chải cũng trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách.
Những năm gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, tập huấn, vận động chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Nhờ đó, nhiều người phụ nữ đã trở thành trụ cột làm kinh tế gia đình.
Ví dụ như trường hợp gia đình chị Giàng Thị Gừ (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) đã biết phát triển kinh tế gắn với loại hình dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch.
Từ 2 năm nay, lượng khách tới xã La Pán Tẩn luôn đông đúc. Vậy nên, vào mùa cao điểm du lịch từ tháng 9 tới cuối năm, 18 phònghomestay của gia đình chị Gừ không có lúc nào trống.
Du khách thường đặt phòng, đặt dịch vụ ăn uống trước để gia đình chị Gừ chuẩn bị. Thông thường chị sẽ chế biến, phục vụ du khách các món ăn mang đậm hương vị truyền thống của người Mông.
Ngoài ra, chị Gừ còn giới thiệu về văn hóa của người Mông như các điệu múa khèn, múa xòe hoa, nhảy sạp… khiến du khách vô cùng thích thú.
Không chỉ được hội phụ nữ bản, xã hướng dẫn, tuyên truyền cách xây dựng mô hình du lịch bền vững, chị Gừ còn được dự các buổi tập huấn về nâng cao năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, bình đẳng giới để nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội.
Theo bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải, để chị em phụ nữ trong huyện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, Hội đã tham mưu cho UBND huyện về các chương trình phát triển cho chị em phụ nữ.
Qua đó, tạo điều kiện cho chị em tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi của địa phương đã ra đời, các sản phẩm du lịch được ra mắt.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, hội viên phải chú ý giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vì đây chính là nguồn tài nguyên, là cốt lõi để phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ thường xuyên tuyên truyền, đề ra các kế hoạch thực hiện bảo tồn các giá trị dân ca, dân vũ của người Mông, tổ hợp các trang phục truyền thống, âm nhạc, đạo cụ… và xây dựng các đội văn nghệ phụ nữ thôn bản.
Khi có du khách đến với Mù Cang Chải, các chị em trong đội văn nghệ còn phục vụ biểu diễn cho khách du lịch để có thêm thu nhập. Vì vậy, các hội viên rất hào hứng tham gia.
Sau 2 năm xây dựng đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 – 2025, từng bước đưa huyện thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030, đến nay các hoạt động du lịch Mù Cang Chải ngày càng hấp dẫn như du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc.
Du lịch Mù Cang Chải đã tạo được thương hiệu điểm đến "Xanh - Bản sắc - An toàn - Thân thiện”, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đạt 131,7%/năm, doanh thu từ du lịch tăng gấp 2,7 lần so với năm 2020.
Huyện có 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm có gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc đưa lên sàn thương mại điện tử. Số lao động tham gia lĩnh vực du lịch tăng cao hơn rất nhiều.
Để đạt được kết quả trên, chị em phụ nữ đã góp phần không nhỏ khi thực hiện những mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập ổn định. Người phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở địa phương.
Phương Anh