Hôm 28/2, Chính phủ Singapore công bố số ca sinh trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở nước này lần đầu tiên giảm xuống dưới 1,0 - còn 0,97 vào năm 2023. Vào năm 2022, con số này là 1,04.
Trước đó, cùng ngày, cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc cũng báo cáo tỷ lệ sinh là 0,72 vào năm 2023, giảm từ mức 0,78 vào năm 2022.
Cả hai nước đều đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng căng thẳng.
Indranee Rajah, một bộ trưởng trong văn phòng Thủ tướng Singapore, cho biết trong một phiên họp quốc hội: “Việc duy trì sự năng động của chúng ta để thu hút các doanh nghiệp toàn cầu và tạo cơ hội cho thế hệ tiếp theo sẽ ngày càng thách thức hơn”. Bà cho rằng đại dịch có thể là nguyên nhân gián đoạn kế hoạch hóa gia đình.
Thông thường, các quốc gia cần tỷ lệ sinh là 2,1 để duy trì dân số ổn định. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế đối với Hàn Quốc, một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Nguyên nhân là do số lượng người lao động ngày càng ít đi, số lượng người già phụ thuộc ngày càng tăng lên.
Cả Hàn Quốc và Singapore đều đang nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm này. Hàn Quốc đã chi hơn 210 tỷ USD trong 15 năm qua cho các chính sách nhằm đảo ngược xu hướng sinh đẻ nhưng không đạt được nhiều kết quả.
Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cam kết xem xét lại cách tiếp cận của chính phủ, tập trung vào việc xây dựng thêm các trường mầm non, trường học với chi phí phải chăng hơn, đồng thời giúp các bậc cha mẹ cân bằng trách nhiệm công việc và gia đình.
Singapore cũng đang có những động thái tương tự. Năm ngoái, chính phủ nước này đã thực hiện chính sách thưởng tiền cho mỗi đứa trẻ được sinh ra. Cụ thể, các cặp vợ chồng có thể nhận được 11.000 SGD (hơn 201 triệu đồng) cho mỗi đứa con và 13.000 SGD (238 triệu đồng) cho đứa thứ 3 trở lên.
Năm nay, Singapore cũng tăng cường chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em bằng cách tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản lên 4 tuần, chi trả bằng ngân sách của chính phủ. Từ năm 2025, học phí các trường mầm non công lập cũng được chính phủ hỗ trợ để giảm xuống.
Thông tin về tỷ lệ sinh của Singapore và Hàn Quốc được công bố sau thông báo của Nhật Bản hôm thứ 27/2, cũng phản ánh một xu hướng tương tự. Chính phủ Nhật Bản cho biết số trẻ sơ sinh được sinh ra ở nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023, theo dữ liệu sơ bộ. Năm 2023, số ca sinh của Nhật Bản giảm 5,1% so với năm trước, với 758.631 đứa trẻ được sinh.
Các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều người Nhật trẻ không muốn kết hôn hoặc lập gia đình vì triển vọng việc làm ảm đạm, chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn mức lương và văn hóa doanh nghiệp không phù hợp với việc cả cha lẫn mẹ đều làm việc.
Trẻ sơ sinh khóc lóc và trẻ nhỏ chơi đùa bên ngoài ngày càng bị coi là mối phiền toái trong mắt người Nhật. Nhiều bậc cha mẹ trẻ cho biết, họ thường cảm thấy bị cô lập khi đi ra ngoài mà có một đứa con.
Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi mô tả tỷ lệ sinh giảm là “tình huống nghiêm trọng”. Ông cho biết, chính phủ sẽ thực hiện “các bước chưa từng có” để giải quyết vấn đề này.
Ông Hayashi khẳng định 6 năm tới là "cơ hội cuối cùng" của Nhật Bản để ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số. Vì thế, chính phủ sẽ mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng như cố gắng tăng lương cho lao động trẻ.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), tỷ lệ sinh cũng giảm trong hơn một thập kỷ qua. Năm 2022, con số này giảm xuống còn 0,87 ca sinh trên mỗi phụ nữ. Hội đồng Phát triển Đài Bắc chỉ ra xu hướng người dân kết hôn muộn hơn hoặc hoàn toàn không kết hôn là yếu tố dẫn đến sự suy giảm. Đài Loan cam kết tìm cách giảm chi phí học hành của trẻ em, thay đổi linh hoạt các chính sách việc làm để khuyến khích người dân sinh con.