Tham luận tại Hội thảo "Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới" do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, tội phạm mua bán người đã dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán họ để trục lợi, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. 

Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận thông tin, điều tra, xác minh có 3 vụ bị lừa bán sang Campuchia; điều tra, giải quyết và khởi tố 2 vụ án liên quan đến mua bán người tại các quán karaoke trá hình để bán dâm. Nạn nhân cũng như đối tượng mua bán người có cả công dân là người Thanh Hóa và tỉnh ngoài.

Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ và là thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung, công tác phòng, chống mua bán người nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.

197d5094509t95161l0.jpg
 Truyền thông, giao lưu, trao đổi về các tình huống, biện pháp, kỹ năng phòng, chống mua bán người.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, của Hội và sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia phòng chống tội phạm mua bán người; chú trọng xây dựng, củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm, góp phần giải quyết những búc xúc về an ninh, phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế nhiều loại tội phạm từ cơ sở, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Hội cũng đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" với các nội dung: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Đồng thời, đẩy mạnh các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người thông qua các hình thức phong phú, sinh động, phù hợp, tăng cường tính tương tác, các loại hình sân khấu hóa như: Sinh hoạt chi/tổ phụ nữ, sinh hoạt câu lạc bộ, hái hoa dân chủ, tổ chức các hội thi tìm hiểu. 

Cùng với đó, tham gia chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi viết "Vì một mái ấm bình yên"; Hội thảo "Thay đổi hành vi phòng, chống mua bán người", "Phiên chợ vùng cao - Biên giới an toàn, không tội phạm mua bán người" gắn với phát động đợt cao điểm tuyên truyền thực hiện Tháng cao điểm tuyên truyên, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, hội thảo chia sẻ kỹ năng phát hiện, phòng chống và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cũng đã cấp phát 35.000 cuốn Thông tin phụ nữ Thanh Hóa có các nội dung liên quan đến phòng chống tội phạm, tội phạm mua bán người. Thành lập và phát huy có hiệu quả Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh, Trung tâm Tư vấn - hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (nay là Trung tâm Hỗ trợ và phát triển phụ nữ Thanh Hóa) để giúp chị em nhận diện chính xác các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, phòng tránh bị lừa gạt mua bán sang nước ngoài...

Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đều có hoạt động phối hợp, giao lưu với tỉnh bạn tăng cường truyền thông và quản lý hội viên, phụ nữ di cư qua biên giới để phòng chống mua bán người. 

Các cấp Hội xây dựng, duy trì và nhân rộng một số mô hình về phòng, chống tội phạm mua bán người có hiệu quả tại các địa phương, đơn vị, như: 880 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 811 Câu lạc bộ "5 không, 3 sạch", 667 mô hình "Làng quê/khu phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em", 950 "Chi hội phụ nữ kiểu mẫu 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới", Câu lạc bộ "Phòng chống tệ nạn xã hội", "Gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ với pháp luật", "Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội", "Trợ giúp pháp lý", "Giáo dục pháp luật",  "Gia đình trẻ", "Thủ lĩnh của sự thay đổi", mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", "Đường dây nóng phát hiện và tố giác tội …

Cùng với đó, các cấp Hội chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ và tạo điều kiện về tinh thần lẫn vật chất đối với các đối tượng là người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống và làm việc, giảm tỷ lệ người tái vi phạm trở lại, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội. 

Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên rà soát thống kê, nắm danh sách những đối tượng phụ nữ hoàn lương, phụ nữ bị buôn bán trở về; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, phân công hội viên nòng cốt nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu hoàn cảnh và xây dựng kế hoạch giúp đỡ, vận động họ tham gia tổ chức Hội, tham gia xây dựng mô hình, câu lạc bộ, hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm, giúp chị em tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hạn chế đi làm ăn xa, phòng tránh phạm tội và phòng chống mắc tệ nạn xã hội.

Với sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong công tác tham gia phòng, chống mua bán người, những năm qua, Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong đấu tranh phòng chống mua bán người. Từ đây, xuất hiện nhiều mô hình về phòng chống mua bán người được xây dựng, duy trì, nhân rộng đem lại hiệu quả thiết thực.

Diệu Thúy và nhóm PV, BTV