Các trang phục được phân loại vào nhóm “dễ lấy chồng” gồm những chiếc váy có độ dài vừa phải, trang phục làm bằng chất liệu dệt kim, áo khoác ngoài có màu sắc nhã nhặn như trắng, hồng, được tô điểm bằng những đường diềm và nơ duyên dáng…
Kiểu ăn mặc này được cho là phù hợp với gu thẩm mỹ của đàn ông Trung Quốc. Nó làm nổi bật lên đường cong cơ thể tự nhiên của phụ nữ trong khi vẫn truyền tải đi một hình ảnh về sự ngây thơ, thuần khiết và dịu dàng - nói cách khác là “đủ điều kiện để kết hôn”.
Một ví dụ điển hình của phong cách này có thể thấy ở nhân vật Saeko do nữ diễn viên Nhật Bản Satomi Ishihara thủ vai trong bộ phim truyền hình Shitsuren Chocolatier.
Trên nền tảng đăng tải video Bilibili, các blogger Trung Quốc thậm chí còn tập hợp một bộ sưu tập gồm 87 bộ trang phục mà nhân vật này sử dụng và dán nhãn là phong cách “dễ lấy chồng”.
Một KOL chuyên về xu hướng này đã thu hút hơn 600.000 người theo dõi trên Weibo bằng cách hướng dẫn phụ nữ trẻ cách nắm bắt phong cách, đưa ra nhận xét, xếp hạng và đề xuất chỉnh sửa những bộ trang phục do người theo dõi cô chụp và gửi đến.
Ngoài trang phục, cô còn đưa ra hướng dẫn để chụp được những bức ảnh hấp dẫn khi mặc kiểu trang phục “dễ lấy chồng” cũng như cách tốt nhất để giới thiệu những bức ảnh đó trên mạng xã hội nhằm thu hút các đối tác chất lượng cao.
Nhiều người cho rằng phong cách ăn mặc này rất có hiệu quả trong việc khơi dậy bản năng bảo vệ ở nam giới, tạo ra nhận thức rằng phụ nữ ăn mặc theo cách này xứng đáng được yêu thương và theo đuổi để có những mối quan hệ ràng buộc.
Tuy nhiên, khi nhận thức về bình đẳng giới tiếp tục tăng lên ở Trung Quốc, phong cách thời trang này đã vấp phải một số lời chỉ trích.
Các nhà phê bình cho rằng nó khuyến khích sự phù hợp với mong đợi của xã hội và ưu tiên sự hài lòng của người khác hơn mong muốn cá nhân.
“Tôi không muốn bị điều chỉnh bởi các nguyên tắc hôn nhân và yêu đương. Tôi từ chối phục vụ cho yêu cầu thẩm mỹ của nam giới. ‘Phong cách dễ lấy chồng’ đang trói buộc phụ nữ" - một người nhận định.
Trào lưu này thậm chí còn là cảm hứng để sinh ra “phong cách khó lấy chồng” với khẩu hiệu mang tính châm biếm: “Để trở thành một cô gái khó lấy chồng, hãy đọc sách, tập thể dục, đi du lịch, yêu công việc và thích tiêu tiền”.
Phong cách phản biện này đề cao sự tự hài lòng và khuyến khích phụ nữ sống thật với chính mình. Ví dụ, một cô gái khó lấy chồng có thể có bằng tiến sĩ, thích đọc sách và đi du lịch.
Cô ấy cũng có thể thích phong cách trang điểm phương Tây, ăn mặc khiêu khích, toát lên sự tự tin, ưu tiên sự nghiệp, không ngây thơ và từ chối những vai trò truyền thống.
Trào lưu ăn mặc “dễ lấy chồng” còn khơi gợi cho việc đưa ra những phong cách tương tự nhưng áp dụng cho đàn ông. Ví dụ như những người đàn ông ăn mặc “phong cách văn phòng” thường được các chị em yêu thích. Cụ thể, họ thích đàn ông mặc áo tối màu kết hợp với quần tây trang trọng hoặc áo polo đơn giản. Những màu sắc như đen, trắng, xám và xanh nước biển thường thể hiện sự trưởng thành, ổn định và đáng tin cậy.
Nhiều cô gái cảm thấy những người đàn ông ăn mặc theo phong cách lòe loẹt trong buổi hẹn hò có thể là người quá coi trọng bản thân.