Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, hội viên phụ nữ xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên.
Theo bà Thạch Thị Ve, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Hòa, tính đến thời điểm này, Hội có 379 hội viên. Để triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả, những năm qua, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và người dân về chủ trương, chính sách, vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương với nhiều hình thức phong phú, như thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, viết tin bài tuyên truyền trên Đài truyền thanh… tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm cho hội viên.
Năm 2022, Hội tích cực triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ Bắc Kạn đoàn kết, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên” tới cán bộ, hội viên, phụ nữ gắn với tổ chức các hoạt động thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của Hội.
Phát động phong trào thi đua, công trình, phần việc, tổ chức các hoạt động chào mừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xây dựng kế hoạch củng cố lại con đường hoa Nà Chúa, Bản Phạc và trồng các loại cây ăn quả ở khu cơ quan dọc đường làng, tổng số trồng được hơn 100 cây do công đoàn và hội viên đóng góp.
Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, triển khai hoạt động nhắn tin ủng hộ chương trình qua tổng đài 09 chị, vận động ủng hộ xây dựng mái ấm tình thương năm 2022.
Phối hợp với Hợp tác xã Yến Dương lắp được 10 bóng điện năng lượng mặt trời ”Thắp sáng đường quê, thắp sáng tương lai” cho Chi hội phụ nữ Bản Phắng trị giá 20.000.000 đồng.
Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã chủ động triển khai các nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để thực hiện tiêu chí không đói nghèo. Hội đã vận động hội viên đẩy mạnh các phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ làm kinh tế giỏi; vận động hội viên phụ nữ giúp nhau về vốn, ngày công, cây con giống; thực hành tiết kiệm...
Hội chủ động lựa chọn nội dung, hình thức triển khai phù hợp với tình hình thực tế của từng chi hội. Ban Chấp hành Hội chú trọng đổi mới cách làm, sâu sát cơ sở, quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi.
Tuyên truyền vận động cán bộ hội viên phụ nữ tham gia các thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho chị em hội viên đã được nhân rộng. Hiện nay đã có 08 tổ hợp tác, 06 tổ hợp tác bí xanh, bí đỏ vẫn duy trì hai vụ gồm chi hội Bản Phắng, Nà Chúa, Bản Hòa.
Về thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025, Hội Phụ nữ thực hiện tốt các hoạt động giúp nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Trong năm 2022 giúp được 345 ngày công lao động giúp cho 23 chị, cho mượn tiền mặt 08 chị tổng tiền 150 triệu đồng không lấy lãi, giúp con giống được 07 chị như giống ốc nhồi…
Hội có 2 tấm gương điển hình trong làm kinh tế, thoát nghèo và đóng góp vào sự phát triển chung của xã cũng như phòng trào xây dựng nông thôn mới. Đó là chị Đồng Thị Yến, hội viên Chi hội Nà Chúa điển hình về làm kinh tế giỏi. Năm 2019 gia đình chị là hộ cận nghèo trong thôn. Được Hội Liên hiệp phụ nữ cho vay vốn, chị mạnh dạn vay 40 triệu đồng chăn nuôi bò sinh sản. Đến năm 2022, tổng đàn bò có 08 con. Năm 2020 chị mạnh dạn trồng thêm 400 cây quýt đã được thu hoạch và trồng cây thuốc lá mỗi năm cho thu hoạch trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, còn có chị Lý Thị Hồng, năm 2020 chị mở đại lý bún phở và mở thêm trang trại nuôi ốc nhồi bán cho thương lái, mỗi năm cho thu hoạch được trên 200 triệu đồng tiền lãi.
Đồng thời, Hội phối hợp với Hội Nông dân xã mở các lớp hướng dẫn sử dụng phân bón đúng cách, chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho hộ cận nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, tặng quà, tặng học bổng cho hội viên phụ nữ và con em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn... Từ đó, giúp cho chị em, nhất là hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trong năm, Hội hỗ trợ được 02 công trình giúp cho hai hội viên nghèo là một công trình nhà tắm (Chi hội Bản Phắng, Phiêng Sảng) và một công trình nhà vệ sinh, tổng 1.200.000 đồng tiền mặt. Công trình đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên” đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới và “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”.
“Kể từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, chị em ai ai cũng ra sức tham gia và giữ gìn. Hội phát động chương trình nào, chị em cũng cố gắng hưởng ứng. Mỗi người góp một ít công sức để xây dựng quê hương.
Chị em tham gia không cần phải làm gì to tát, đôi khi là quét dọn, trồng đường hoa đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, là cùng nhau bỏ bớt thói quen dùng túi nilon, là giữ cho chính ngôi nhà, con đường trước nhà sạch hơn…", bà Ve cho biết.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Hoà cũng đẩy mạnh thực hiện tiêu chí “Không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ký kết nội dung khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội; phối hợp tổ chức các cuộc hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân như tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình…
Hội vận động phụ nữ đẩy mạnh thực hiện quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, phòng ngừa trộm cắp tài sản, an toàn giao thông, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới…
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các hội viên, Hội Liên hiệp phụ nữ xã khuyến khích chị e sử dụng các tài khoản mạng xã hội để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Song song đó là đưa sản phẩm nông sản, chăn nuôi của mình lên bán tại các trang này để mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương như bí xanh và bí đỏ... Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến các hội viên.