Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TU ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến 2030, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ theo ba trục: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, đến nay đã hoàn thành 3/6 mục tiêu đến năm 2025, ba mục tiêu còn lại đạt mức khá, đảm bảo hoàn thành đến năm 2025. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được chỉ đạo, triển khai đồng bộ, liên thông ba cấp trong tỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống của các cơ quan nhà nước sang môi trường điện tử, hướng tới môi trường số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong cơ quan nhà nước; công khai, minh bạch thông tin, nhất là các dịch vụ công, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh đã đầu tư, triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng số tập trung, thống nhất trong toàn tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hệ thống mạng diện rộng, hệ thống hội nghị trực tuyến, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm giám sát an toàn thông tin, Trung tâm dữ liệu số.
Các hệ thống trên hoạt động ổn định, liên tục, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và khai thác, sử dụng của chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng.
Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đã bố trí cán bộ chuyên trách/phụ trách về CNTT; hơn 17.842 lượt cán bộ được được đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, hơn 500 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã được đào tạo trực tuyến bồi dưỡng về chuyển đổi số.
Toàn tỉnh có 2.356 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên tích cực hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số, giúp việc chuyển đổi số đến được với người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Phú Thọ là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thành công hệ thống truyền hình trực tuyến liên thông bốn cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh đến cấp huyện, xã. Tính đến tháng 7/2023, hệ thống cung cấp 1.988 TTHC, trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 670 thủ tục (đạt 33,7%), dịch vụ công trực tuyến một phần: 863 thủ tục (đạt 43,4%).
Thực hiện kết nối liên thông 1.116 TTHC của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 69,86%, tăng 34,67% so với năm 2021, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch với cơ quan nhà nước. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh triển khai gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ văn bản mật theo quy định).
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương- khu Thông Đậu, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì cho biết: “Hiện nay, tôi và nhiều đồng nghiệp đều thực hiện nộp hồ sơ TTHC bằng hình thức trực tuyến thay vì đến UBND các cấp, đặc biệt việc thanh toán tiền điện, nước, nộp tiền học cho con tôi cũng đều chuyển khoản, các thao tác đơn giản, thuận tiện mà không mất thời gian đi lại, chờ đợi”.
Việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia tạo nền tảng phát triển chính quyền số, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ và thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh được triển khai xây dựng; các CSDL chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
Để hoàn thiện CSDL về dân cư trên địa bàn tỉnh, đến nay đã hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, cấp 820.653 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt 773.675 tài khoản. Bên cạnh đó, các CSDL địa chính, y tế, giáo dục, hộ tịch... đang dần hoàn thiện, triển khai kết nối, liên thông, khai thác và sử dụng hiệu quả CSDL với các hệ thống CSDL dùng chung của tỉnh nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Theo Phương Thanh (Báo Phú Thọ)