Nhờ những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của Đảng, Chính phủ, những năm gần đây, hơn 170 hộ đồng bào dân tộc Dao ở khu Chen - Chự - Hồ đã có sự đổi thay rõ rệt.

Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn mới ở huyện Thanh Sơn nói chung và 3 bản Chen - Chự - Hồ nói riêng ngày một đổi thay.

Xã Yên Sơn là một trong những xã khó khăn nhất, nằm cách trung tâm huyện Thanh Sơn gần 40km. Nơi đây đồng bào người Dao chiếm khoảng 70%. Trong đó, Chen - Chự - Hồ là 3 bản xa nhất, cách trung tâm xã 20km. 

Từng là địa bàn “sơn cùng, cốc thẳm” lọt thỏm giữa đại ngàn, biệt lập với các thôn, bản khác bởi giao thông cách trở nhưng nhờ CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, Chen - Chự - Hồ đã ngày một đổi thay.

Cách đây khoảng 10 năm trước, gần 100% dân cư ở 3 bản sống rải rác bên những sườn núi, chủ yếu tự cung tự cấp trông chờ vào đồng ruộng và nương rẫy.

Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn do chưa có đường ô tô, không có điện lưới, không sóng điện thoại; là khu vực có nhiều hộ nghèo nhất, nhiều người không biết chữ nhất… 

Nhưng từ năm 2017, được sự quan tâm của Nhà nước, tuyến đường chính chạy dài vào các bản đã được đầu tư xây dựng; tiếp đó, năm 2018 đường lưới điện quốc gia kéo về 3 bản cung cấp điện tới từng nhà; cùng với đó là các chính sách hỗ trợ sản xuất, y tế, giáo dục... cũng được đầu tư… giúp các bản làng của đồng bào Dao nơi được khoác lên tấm áo mới.

Hiện nay hệ thống điện, đường, trường, trạm ở 3 bản đều đã được xây dựng khang trang và rộng rãi; ô tô vận chuyển hàng hoá có thể chạy ngược xuôi trên con đường đổ bê tông vững chắc lên tận 3 bản; nhiều ngôi nhà cao tầng được xây kiên cố thay cho những ngôi nhà tạm bợ; những đồi chè và cánh rừng keo bạt ngàn xanh mướt; nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ra đời.

Có đường, có điện giúp đời sống vật chất, tinh thần của người Dao được nâng lên rõ rệt. Bà con có điều kiện tiếp cận khoa học kĩ thuật, nâng cao nhận thức, tích cực học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngoài các mô hình chăn nuôi, bà con còn tham gia mô hình trồng rừng kinh tế. Hiện nay mỗi hộ có từ 5-10ha rừng, nhiều gia đình thu hàng chục triệu đồng từ gỗ rừng trồng; 99% số hộ ở 3 bản có tivi, tủ lạnh, đời sống bà con ngày càng được nâng cao.

Nhiều ngôi nhà sàn gỗ mới được xây kiên cố thay cho những ngôi nhà tạm bợ. 

Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, không còn hộ đói; nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá, xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo con cháu học hành và có điều kiện mua sắm được các vật dụng, trang thiết bị thiết yếu cho gia đình. 

Ở Thanh Sơn, nhiều bản làng vùng đồng bào DTTS như Chen - Chự - Hồ cũng đang đổi thay từng ngày.

Theo kế hoạch thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thanh Sơn phấn đấu đến năm 2025: Trên 40% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn

Trong đó, tập trung uu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi so với các vùng khác trong tỉnh; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của đồng bào, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 2%; trên 40% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; trên 80% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh;...

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ Cầm Hà Chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng với những chủ trương, đường lối đúng đắn đã tạo được niềm tin sâu sắc trong mỗi đồng bào và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Nhờ các chương trình đầu tư, trong đó có việc triển khai hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã giúp diện mạo đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội thay đổi, góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống đồng bào DTTS trong tinh được cải thiện.

Văn Dương, và nhóm PV, BTV